Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 17/9/2022

19:45 | 17/09/2022

6,401 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Nga ra điều kiện để châu Âu có khí đốt; Trung Quốc sẽ tái xuất khí đốt Nga sang châu Âu?; "Đế chế" dầu lửa Nga vẫn lãi đậm… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng ngày 17/9/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 17/9/2022
Dự án Nord Stream 2 đã hoàn thành từ tháng 9/2021 với công suất 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm. Ảnh: Tass

Nga ra điều kiện để châu Âu có khí đốt

Tổng thống Nga Putin ngày 16/9 bác bỏ cáo buộc Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu. Ông cũng nêu rõ, nếu Liên minh châu Âu (EU) muốn cung cấp thêm khí đốt họ cần phải dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt ngăn chặn việc vận hành đường ống khí đốt Nord stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2).

“Điểm mấu chốt là nếu các bạn có nhu cầu gia tăng khí đốt, chỉ cần dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Dòng chảy phương Bắc 2, được xây dựng với công suất 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm. Họ chỉ cần nhấn nút và mọi thứ sẽ được thực hiện”, ông Putin nói với báo chí sau Hội nghị Thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Uzbekistan.

Dòng chảy phương Bắc 2 chạy qua biển Baltic, gần như song song với Dòng chảy phương Bắc 1 đã được hoàn thành năm 2021, nhưng Đức đã quyết định dừng quá trình phê duyệt dự án chỉ vài ngày trước khi Nga đưa quân vào Ukraine.

Trung Quốc sẽ tái xuất khí đốt Nga sang châu Âu?

Theo tờ DW (Đức), hiện tại Nga có thể không cung cấp nhiều khí đốt trực tiếp cho phương Tây, dù vậy nước này có thể tìm đường vào EU qua một ngả khác. Trong lúc các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga gặp nhau để xem xét các vấn đề rộng lớn hơn, một số báo cáo chỉ ra rằng xuất khẩu khí đốt của Nga đang tìm đường vào châu Âu, thông qua Trung Quốc.

Theo báo cáo của Nikkei, trước mùa đông năm nay, kho chứa khí đốt của châu Âu gần như đã đầy 80%, một phần là nhờ xuất khẩu LNG từ Trung Quốc, trong khi Nga đã giảm đáng kể nguồn cung khí đốt cho châu Âu.

Bà Anna Mikulska, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng thuộc Viện Chính sách Công Baker - Đại học Rice, nói với DW: “Nếu châu Âu đang mua LNG từ Trung Quốc, thì có khả năng một số có thể là của Nga, đặc biệt là loại hỗn hợp. Tôi không tin rằng có bất kỳ quy tắc nào về nguồn gốc, cuối cùng thì vấn đề thực sự vẫn là sự dịch chuyển của hàng hóa".

Italy tung gói cứu trợ “khủng” đối phó chi phí năng lượng tăng cao

Ngày 16/9, Chính phủ Italy đã thông qua gói viện trợ thứ 3, trị giá khoảng 14 tỷ Euro (14 tỷ USD), để giúp các hộ gia đình và doanh nghiệp đối phó với tình trạng chi phí năng lượng và nhiên liệu tăng cao.

Gói viện trợ mới bao gồm khoản trợ cấp một lần số tiền 150 Euro cho khoảng 22 triệu người có thu nhập dưới 20.000 Euro/năm, 190 triệu Euro cho những nông dân gặp khó khăn vì chi phí năng lượng tăng và 100 triệu Euro cho lĩnh vực giao thông công cộng. Gói hỗ trợ còn bao gồm các hình thức tín dụng thuế, giảm thuế năng lượng và nhiều sáng kiến khác nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo.

Thủ tướng Italy Mario Draghi cho biết, biện pháp trên sẽ không làm tăng thâm hụt ngân sách nhà nước vì nguồn thu thuế từ các công ty năng lượng được hưởng lợi từ tình trạng giá điện tăng sẽ bù đắp cho khoản chi này.

Ông Draghi cũng khẳng định kinh tế Italy không có dấu hiệu suy thoái dù tốc độ tăng trưởng đang chậm lại do đang phải đối mặt với lạm phát và giá năng lượng tăng cao. Chính phủ Italy đã dự báo tốc độ tăng trưởng cả năm 2022 là 3,1%. Nước này dự kiến tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 25/9 tới.

Bỉ thêm loạt biện pháp mới trong bối cảnh giá năng lượng tăng vọt

Chính phủ Bỉ ngày 16/9 đã thông qua gói các biện pháp năng lượng mới nhằm hỗ trợ các hộ gia đình và các doanh nghiệp ứng phó với tình trạng giá năng lượng tăng vọt.

Nhờ vào các biện pháp mới, hóa đơn tiền điện và khí đốt của các hộ gia đình sẽ giảm khoảng 400 Euro/tháng trong các tháng 11 và tháng 12 tới. Với những hộ gia đình dùng dầu để sưởi ấm, khoản hỗ trợ 225 Euro được áp dụng từ 31/8 được nâng lên thành 300 Euro.

Chính phủ Bỉ cũng đưa ra một loạt biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ kinh doanh tư nhân như cho phép các công ty hoãn thanh toán các khoản đóng góp cho an sinh xã hội và thuế, áp dụng hỗ trợ tạm thời cho những người mất việc làm vì lạm phát giá năng lượng và hoãn thanh toán các khoản nợ vì phá sản.

"Đế chế" dầu lửa Nga vẫn lãi đậm

Tập đoàn năng lượng Rosneft Oil của Nga - tập đoàn có vốn đầu tư của Chính phủ và cũng là doanh nghiệp dầu lửa lớn nhất tại Nga - vừa công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2022. Theo đó, sản lượng dầu trong 6 tháng đầu năm đã tăng 1,5%, theo đó xuất xưởng 4,85 triệu thùng/ngày. Lợi nhuận của tập đoàn tăng 13% lên 432 tỷ Rúp, tương đương khoảng 7,2 tỷ USD, nhờ giá dầu thô tăng mạnh.

Lợi nhuận và sản lượng của Rosneft tăng lên đánh dấu sự phục hồi đáng kể của tập đoàn này sau khi rơi vào khủng hoảng trong những ngày đầu chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra. Nhờ có được các khách hàng lớn ở châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ và giá dầu toàn cầu tăng lên, Rosneft đã nhanh chóng phục hồi doanh thu, dù phải bán dầu rẻ hơn so với giá thị trường trên quốc tế.

Điều này cũng cho thấy thách thức mà các chính phủ EU phải đối mặt trong nỗ lực đạt được 2 mục đích: vừa duy trì dòng chảy dầu Nga trên thị trường, vừa giảm nguồn tài chính của Nga. Đến nay, EU đạt được mục tiêu thứ nhất nhưng không mấy thành công với mục tiêu thứ hai. Dù vậy, Rosneft cũng như ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga đang đối mặt với khả năng bị phương Tây áp đặt giá trần với dầu xuất khẩu.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 16/9/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 16/9/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 15/9/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 15/9/2022

T.H

DMCA.com Protection Status