Nhớ mãi hai lần đầu tiên (Kỳ 2)

14:28 | 01/08/2016

533 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Tại Vietsovpetro, một trang sử mới, một trường học lớn với tôi bắt đầu...

Tôi nhớ sau khi nghe vắn tắt, ông Nông Tắc Lâm, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch bảo: “Cậu cầm tài liệu qua đây”. Tôi hỏi đi đâu? Ông Lâm nói: “Đi gặp Tổng cục trưởng Nguyễn Hòa”. Ngại quá nhưng đi theo. Sang đến nơi ông Lâm nói luôn: “Đề nghị anh phê duyệt cái này!”. Ông Hòa chất vấn: “Toàn kỹ thuật, phê gì?” Tôi hơi lo, nhưng ông Lâm nhanh nhẩu: “Anh ký mới chi được tiền”. Ông Hòa lại hỏi: “Chuyên môn xem chưa? Có các ý kiến khác không?”. Ông Lâm: “Báo cáo anh, xem cả rồi, không có ý kiến khác”. Ông Hòa đặt bút ký chữ Hòa rất to.

nho mai hai lan dau tien ky 2

Tác giả (trái) tại một góc công trình khí Tiền Hải hôm nay

Có đề án, phương án, bản vẽ duyệt rồi, nhưng chắc là lãnh đạo công ty còn băn khoăn. Tại thời điểm đó khi lãnh đạo công ty phê duyệt bên cạnh luôn có chữ “Thỏa thuận” hoặc “Nhất trí” của các chuyên gia và lãnh đạo chuyên gia Liên Xô ký. Lần này thì không.

Thế rồi, nhân thể đoàn cán bộ cao cấp dầu khí Liên Xô sang làm việc về Vietsovpetro, Tổng cục đã mời Đoàn ra Hà Nội và xuống Thái Bình làm việc. Lần đó phía bạn có: Lãnh đạo Bộ Công nghiệp khí Liên Xô; ông Seremeta - một nhà địa chất nổi tiếng; ông Adamian - Tổng Công trình sư các Công trình Dầu khí. Phía Việt Nam có: Ông Nguyễn Hòa; lãnh đạo các Vụ Kỹ thuật, Vụ Kế hoạch. Vietsovpetro có anh Ngô Thường San. Công ty I có anh Nguyễn Ngọc Cư và tôi. Tôi nhớ lần đó tham dự còn có anh Hồ Đắc Hoài, PTS Trần Ngọc Cảnh, PTS Vũ Ngọc An.

Hai đoàn chia nhóm bàn một số nội dung, trong đó có nội dung chuẩn bị khai thác mỏ khí Tiền Hải. Lãnh đạo Tổng cục yêu cầu công ty báo cáo. Anh Cư - Giám đốc chỉ tôi và nói nhỏ: “Cậu báo cáo trực tiếp bằng tiếng Nga luôn cho nhanh và dễ hiểu”. Tôi báo cáo khoảng 40 phút, tiếp theo là các câu hỏi và trả lời. Thực ra đây là buổi làm việc rất chuyên sâu, bên cạnh kiến thức có được khi học đại học là những kiến thức chúng tôi tập trung nghiên cứu trong cả năm trời liên quan đến khí condensate, như: điểm sương, áp suất tới hạn, hiện tượng ngưng tụ ngược, cân bằng pha, hệ số dãn nở khí, tốc độ dòng chảy tới hạn, dãn nở nhiệt và hiệu ứng Joule - Thomson, tốc độ dòng chảy trong ống thẳng đứng, ống nằm ngang, giải pháp chống va đập thủy lực, các cơ sở để tính toán bình tách, ống dẫn v.v…

Sau gần 2 giờ nghe tôi báo cáo, trả lời các câu hỏi cụ thể chuyên sâu của ông Adamian và các chuyên gia Liên Xô, ông Adamian nói: “Các anh có kỹ sư rất giỏi, bản thiết kế chuẩn rồi, không có sửa đổi, có thể triển khai”.

Anh Cư có vẻ sốt sắng và thật thà: “Còn thiếu vật tư gì thì xin người ta!”. Tôi nói: “Còn thiếu thiết bị đo lưu lượng khí”. Ông Adamian trả lời sẵn sàng giúp. Và đúng hẹn, bạn gửi bằng máy bay cho ta các thiết bị đo lưu lượng khí.

Sau cuộc họp tôi thấy mặt anh Cư giãn ra, có vẻ rất hài lòng, từ đó nhìn tôi và anh em trong Tổ với nét mặt tươi cười (khác hẳn với những lần trước đây khi đi qua phòng làm việc thấy chúng tôi tranh luận ồn ào, cứ tưởng các kỹ sư trẻ đang tán gẫu, nét mặt anh khó đăm đăm). Tôi thấy mát cả ruột, vì công sức của anh em dày công nghiên cứu, tâm huyết sáng tạo và được chuyên gia nước ngoài đánh giá tốt, được lãnh đạo nhìn nhận khách quan, tin tưởng.

Sang giai đoạn thi công, ống dẫn khí được làm từ ống chống khoan dư thừa; cút cong, không có thiết bị uốn, phải hàn. Các thợ hàn cao áp giỏi nhất như anh Thắng, anh Chiển được huy động tham gia. Việc đào hào lắp ống, tất cả cán bộ công ty được huy động, kể cả các cán bộ lãnh đạo dưới sự hướng dẫn của các kỹ sư trẻ khai thác.

Trong giai đoạn đầu, các chuyên gia Liên Xô không tham gia công trình. Sau một tuần thi công, đoàn chuyên gia Liên Xô thấy quyết tâm của cán bộ Việt Nam rất cao, bắt đầu cử một chuyên gia là ông Bori xốp - chuyên viên kinh tế, hằng ngày cùng tôi xuống công trường và một đốc công xây lắp người Liên Xô tham gia cùng cán bộ, công nhân Việt Nam lắp ống.

Sau thời gian lăn lộn trên công trường, anh em trong Tổ làm việc nhiều, ăn kham khổ, uống nước sông, nước mương, ai cũng gầy, đen. Dương Công Khanh, Vũ Văn Viện trắng mập là thế nay chẳng nhận ra. Khi làm đoạn ống vượt sông, tôi nhớ mãi hình ảnh anh Đinh Tuân, lúc bấy giờ là Đoàn trưởng xây lắp, cùng anh em bơi xuống sông Long Hầu. Hôm ấy nước chảy mạnh, ống nặng chẳng may làm dập nát một ngón tay. Không một lời kêu ca, kiên nhẫn chịu đau, lên bờ băng xong, anh lại tiếp tục làm. Hình ảnh đó đọng lại mãi trong tôi.

Song song với thi công, công tác đào tạo đội ngũ được tiến hành. Ban ngày ở công trường, ban đêm các kỹ sư lại soạn giáo trình tiếng Việt. Các buổi học do các kỹ sư: Thực, Khanh, Viện, Oánh thực hiện. Học viên là các công nhân khoan, thử vỉa chuyển sang: Nhưng, Thập, Tâm, Anh, Minh, Canh, Dung, v.v... Khi vận hành các kỹ sư trực tiếp làm kíp trưởng, các anh: Khanh, Viện, Trung, Mạnh mỗi kỹ sư phụ trách một ca.

Công tác chuẩn bị đã xong, tiến độ triển khai xây dựng rất nhanh. Khởi công tháng 1-1981, ngày 19-4-1981 dòng khí đã được khai thác, xử lý và vận chuyển đến trạm turbine phát điện. Ngày 8-7-1981, bắt đầu khai thác ổn định mỏ khí Tiền Hải. Đây là Công trình hoàn toàn mới lần đầu tiên được xây dựng ở nước ta. Công trình đã được tặng Huy chương Vàng tại Hội chợ Triển lãm Thành tựu kinh tế kỹ thuật năm 1985. Chỉ trong năm đầu (từ 8-7-1981 đến ngày 8-7-1982), trạm xử lý đã cung cấp 16 triệu m3 khí cho turbine điện sản xuất 70 triệu kWh, tách được 380m3 condensate. Đến năm 1986 đã khai thác được trên 120 triệu m3 khí cung cấp cho turbine phát điện và sau đó cung cấp khí cho hàng loạt các sơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, như sứ, thủy tinh, xi măng, gạch tráng men, góp phần đáng kể cho phát triển kinh tế nói chung và công nghiệp tỉnh Thái Bình nói riêng.

Sau 30 năm trở lại công trình khí Tiền Hải, nhìn công trình cũ vẫn vững vàng và hoạt động an toàn, tôi thầm nghĩ: Tại sao? Cái gì giúp cho công trình đầu tiên đứng vững theo năm tháng? Và câu trả lời là thiết kế - chế tạo, xây lắp đều căn cứ trên cơ sở nghiên cứu khoa học.

Đây cũng là bài học về chỉ đạo kỹ thuật, quản lý theo suốt tôi sau này. Mọi quyết định kỹ thuật, quản lý sẽ luôn vững chắc nếu dựa trên nền tảng nghiên cứu khoa học.

Nhiệm vụ mới: Khai thác dầu Bạch Hổ và bài học bám sát thực tiễn.

Tháng 10-1983, khi là lãnh đạo kỹ thuật xí nghiệp khí, lại đang ôn thi nghiên cứu sinh, tôi nhận được thông báo và quyết định điều động vào làm việc tại Liên doanh Vietsovpetro.

Tạm biệt Xí nghiệp Khí Tiền Hải, chia tay các bạn bè, tôi lên tàu vào thành phố Hồ Chí Minh và theo xe xuống Vũng Tàu.

Tại Vietsovpetro, một trang sử mới, một trường học lớn với tôi bắt đầu. Vietsovpetro được thành lập từ năm 1981, Phòng Khai thác và Vận chuyển dầu được thành lập từ năm 1983. Phòng gồm 5 người, Trưởng phòng là người Liên Xô, tôi là Phó phòng, 3 kỹ sư: 1 Liên Xô, 2 Việt Nam là anh Nguyễn Hữu Trung và anh Lưu Quốc Tuấn. Nhiệm vụ rất rõ ràng: Chuẩn bị khai thác mỏ dầu đầu tiên tại Việt Nam: Mỏ Bạch Hổ.

NHỮNG BÀI HỌC

Bài học đầu tiên: Vượt qua mọi khó khăn, không lùi bước trước khó khăn, phức tạp. Sẽ không có Công trình khai thác khí Tiền Hải 1981 nếu trước khó khăn của năm 1978-1981 mà bàn lùi, nản chí, không tìm giải pháp vượt khó.

Bài học thứ hai: Bám sát thực tiễn, tập hợp lực lượng, giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra. Thực tiễn luôn đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, nếu không bám sát thực tiễn, tập hợp động viên trí tuệ, tìm giải pháp phù hợp thì chúng ta đã không thể kịp đưa mỏ dầu Bạch Hổ vào khai thác tháng 6-1986.

Bài học thứ 3: Về ý chí tự lực, tự cường và hợp tác quốc tế.

Bài học thứ 4: Lãnh đạo tin tưỏng giao nhiệm vụ cho lớp trẻ và lớp trẻ hãy tự tin, chủ động, sáng tạo trong lao động.

Bài học thứ 5: Mọi quyết định quản lý, kỹ thuật sẽ hiệu quả, bền vững, an toàn nếu dựa trên nền tảng khoa học.

(Xem tiếp kỳ sau)

Phùng Đình Thực

Năng lượng Mới 542

DMCA.com Protection Status