Phụ nữ dầu khí năng động và bản lĩnh

07:00 | 08/03/2014

809 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Là phụ nữ duy nhất trong ba đại diện của ngành Dầu khí được vinh dự bầu vào Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động (TLĐLĐ) Việt Nam khóa XI nhiệm kỳ 2013-2018, kỹ sư Trần Thị Thanh Nga (Nhà máy Đạm Phú Mỹ) cho rằng, mình cần nỗ lực hơn nữa để xứng đáng là đại diện tiếng nói của những người lao động trực tiếp. Nhân ngày Kỷ niệm Quốc tế Phụ nữ 8-3, phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có dịp trò chuyện cùng chị về công việc, vai trò của nữ giới ngày nay trong doanh nghiệp.

Năng lượng Mới số 302

PV: Vừa là kỹ sư, Ủy viên BCH Công đoàn cơ sở Nhà máy Đạm Phú Mỹ nhưng cũng vừa vinh dự khi đảm nhận vai trò Ủy viên BCH TLĐLĐ Việt Nam, chị vui lòng chia sẻ công việc của mình khi được giao những trọng trách này?

Chị Trần Thị Thanh Nga: Khi nhận trọng trách này, tôi cảm thấy rất vinh dự, nhưng ban đầu tôi cũng thấy nhiều áp lực. Bản thân tôi thấy mình cần phải nỗ lực nhiều hơn để có thể song song hoàn thành tốt nhiệm vụ trong chuyên môn cũng như trong công tác công đoàn để xứng đáng là đại diện tiếng nói của những người lao động trực tiếp, cũng là để không phụ lòng tin tưởng của lãnh đạo Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) và Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã dành cho tôi.

Hiện nay, tôi cảm thấy thuận lợi hơn rất nhiều cho công tác của mình. Khi là Ủy viên BCH TLĐLĐ Việt Nam, tôi được gặp gỡ, trao đổi với đại diện của nhiều đơn vị khác, từ đó cho tôi có được góc nhìn rộng hơn đối với tình hình chung của người lao động trong cả nước, tôi có thể thấy được người lao động của PVFCCo, của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mình có những thuận lợi và khó khăn gì so với những lĩnh vực ngành nghề khác trong cả nước, từ đó tôi có thể phân tích, động viên, khuyến khích được rất nhiều anh chị em trực tiếp sản xuất ở Nhà máy Đạm Phú Mỹ.

Chị Trần Thị Thanh Nga

PV: Theo chị, vai trò của nữ giới ngày nay trong doanh nghiệp cần được hiểu như thế nào?

Chị Trần Thị Thanh Nga: Phụ nữ ngày nay nói chung và phụ nữ trong ngành Dầu khí nói riêng đều khá năng động và bản lĩnh. Phụ nữ có vai trò rất lớn trong trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế, xã hội, chính trị. Lao động nữ có thể tham gia hầu hết các lĩnh vực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều quan trọng là họ đáp ứng được các yêu cầu về kiến thức và kỹ năng trong lĩnh vực họ đảm nhận.

Hiện nay rất nhiều vị trí chủ chốt trong các doanh nghiệp do phụ nữ nắm giữ, như trong tổng công ty chúng tôi chẳng hạn. Điều này khẳng định vai trò của nữ giới trong doanh nghiệp khá bình đẳng so với nam giới.

PV: Theo chị, việc thực hiện bình đẳng giới ở Nhà máy Đạm Phú Mỹ hiện nay như thế nào? Các chị em có nhiều cơ hội để phát triển hay không?

Chị Trần Thị Thanh Nga: Đối với Nhà máy Đạm Phú Mỹ, vai trò của phụ nữ rất được coi trọng. Bất cứ tổ chức chính trị nào cũng đều cơ cấu lượng nữ tối thiểu. Đối với tổ chức chính quyền, Nhà máy Đạm Phú Mỹ cũng như PVFCCo có tiêu chí tối thiểu để đảm nhiệm một vị trí hay một chức danh. Không phân biệt là nam hay nữ, cơ hội chia đều cho bất cứ ai đáp ứng các tiêu chí đó. Vì vậy, các chị em cũng có cơ hội để phát triển như các anh em.

Trong công việc, ban lãnh đạo nhà máy cũng cố gắng bố trí, sắp xếp để hạn chế việc chị em phải đảm nhiệm các công việc quá sức mình như các công việc nặng nhọc, trong môi trường độc hại, hoặc các công việc theo ca/kíp.

Nhà máy chúng tôi còn có một đội bóng đá nữ với bề dày thành tích đáng nể đấy. Điều này chứng minh cho các anh chị thấy rằng, không có gì là phụ nữ không thể tham gia được.

Hoạt động kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam và khen thưởng phong trào Hai giỏi do Công đoàn PVFCCo tổ chức trong năm 2013

PV: Thời gian qua Công đoàn PVFCCo và Công đoàn Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã có những chính sách gì nhằm giúp các chị em làm tốt cả hai vai công việc và gia đình?

Chị Trần Thị Thanh Nga: Về phía PVFCCo, điều đặc biệt đầu tiên phải kể đến đó là chính sách khám sức khỏe chuyên sâu 2 lần/năm dành cho nữ giới. Ngoài việc thực hiện tốt quy chế dành cho lao động nữ trong thỏa ước lao động tập thể, PVFCCo còn thành lập Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ. Điều này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của PVFCCo dành cho nữ giới. Ngoài ra, các dịp 8-3, 28-6 và 20-10, Ban Nữ công Nhà máy Đạm Phú Mỹ thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm về kỹ năng chăm sóc con cái và gia đình. Điều này giúp cho chị em có thêm kiến thức và kỹ năng để đảm nhiệm tốt vai trò giữ lửa của người phụ nữ trong gia đình.

Hoạt động nữ công của Nhà máy Đạm Phú Mỹ cũng luôn nhận được ủng hộ tích cực từ phía lãnh đạo cũng như toàn thể CBCNV trong nhà máy. Hằng quý, Ban Nữ công tổ chức quyên góp từ thiện toàn thể CBCNV và trao quà cho các tổ chức từ thiện nuôi dạy những trẻ em khuyết tật, trẻ em mồ côi… Đây là những hoạt động rất ý nghĩa, thiết thực và nhận được sự ủng hộ, ghi nhận rất lớn từ phía ban lãnh đạo nhà máy cũng như người lao động.

PV: Với tư cách là Ủy viên BCH TLĐLĐ Việt Nam, theo chị, cần có giải pháp nào để phụ nữ được bình đẳng trong hoạt động của doanh nghiệp?

Chị Trần Thị Thanh Nga: Trong bất cứ doanh nghiệp nào cũng cần đặt hiệu quả công việc lên hàng đầu, do vậy khi bố trí công việc hay bổ nhiệm các cương vị, họ phải đảm bảo rằng người được bố trí hay bổ nhiệm phải có đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ. Vì vậy, phụ nữ trước tiên cần khẳng định năng lực của mình qua kiến thức và kỹ năng làm việc thì sẽ dễ dàng cho doanh nghiệp tạo sự bình đẳng trong hoạt động của doanh nghiệp mình hơn.

Những định kiến về năng lực của phụ nữ so với nam giới là rào cản khi bổ nhiệm các vị trí chủ chốt, quan trọng trong doanh nghiệp. Cần có thước đo và sự đánh giá khách quan để tạo môi trường cạnh tranh công bằng giữa nam giới và nữ giới.

Ngoài ra, còn một yếu tố khách quan khiến cho nhiều nơi không muốn tuyển phụ nữ, đó là nghỉ thai sản. Đây thực sự là điều thiệt thòi đối với phụ nữ, dù họ đang làm một nhiệm vụ hết sức thiêng liêng. Do vậy, để người phụ nữ có thể hòa nhập và đáp ứng được các yêu cầu của doanh nghiệp, cần có sự động viên, chia sẻ trách nhiệm từ phía gia đình, để người phụ nữ có thời gian học tập, trau dồi thêm kỹ năng, kiến thức của mình nhằm đáp ứng được nhiều vị trí công việc trong xã hội.

PV: Cảm ơn chị về cuộc trao đổi này!

Chị Trần Thị Thanh Nga sinh năm 1982, quê quán Quảng Xương, Thanh Hóa. Trong quá trình công tác chị đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đạt nhiều thành tích cao trong công tác chuyên môn cũng như các hoạt động đoàn thể. Chị đã có các sáng kiến cải tiến, hợp lý hóa sản xuất tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ như: Cải tạo mạch tụ bù trung thế; Thay thế các rơle bảo vệ của máy phát điện turbine khí bằng rơle bảo vệ đa chức năng (Multifuntion Protection Relay); Xây dựng Bộ KPIs cho từng chức danh của xưởng điện; Lắp đặt mạch điều khiển cảm biến chiếu sáng hệ thống đèn đường; Giải pháp khắc phục lỗi thường gặp tại van xả áp của dòng máy biến áp Hyosung trong Nhà máy Đạm Phú Mỹ.


Thế Vinh (thực hiện)

DMCA.com Protection Status