"Nghề dầu khí cho tôi cơ hội học hỏi không ngừng”

08:38 | 18/07/2012

461 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Gặp Nguyễn Ngọc Thanh Trung tại Trung tâm Đào tạo an toàn của Trường cao đẳng nghề Dầu khí (đóng tại đường Trần Phú, thành phố Vũng Tàu), ấn tượng của tôi về thầy giáo đã từng đạt giải Nhất trong Hội giảng Giáo viên dạy nghề giỏi toàn quốc năm 2009 là sự năng động, hoạt bát mà chín chắn, chừng mực.

Nguyễn Ngọc Thanh Trung cho biết, nghề giáo viên dầu khí đến với anh như một cơ duyên tình cờ, nhưng gắn bó bao năm và hơn hết, đã cho anh cơ hội được đi đến nhiều quốc gia, nhiều công trình, tăng vốn kiến thức và kinh nghiệm sống…

PV: Anh đã bắt đầu đến với nghề này như thế nào?

Nguyễn Ngọc Thanh Trung: Nếu như làm “thầy” thì tôi nghĩ là ngay từ khi đang ngồi trên ghế giảng đường đại học, với vai trò là “gia sư” dạy kèm học sinh từ lớp 9 đến lớp 12. Sau khi ra trường, mặc dù là kỹ sư khoan – khai thác dầu khí, nhưng vốn xuất thân trong gia đình có nhiều người theo nghề giáo, nên nghề này đến với tôi cũng là cái nghiệp. Được sự giới thiệu của thầy giáo – PGS.TS Lê Phước Hảo – Hiệu trưởng Trường đại học Dầu khí PVU hiện nay, khi đó là Trưởng bộ môn Khoan Khai thác, Trường ĐH Bách khoa TP HCM, tôi về làm giáo viên an toàn tại cơ sở Bãi Dâu, Trung tâm Đào tạo và Cung ứng nhân lực dầu khí, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nay là Trường cao đẳng nghề Dầu khí từ tháng 6/1998 và gắn bó cho đến bây giờ…

PV: Đối với một người ngoại đạo như tôi, thì “giáo viên an toàn” nghe cứ là lạ, tại sao lại phải có chuyên ngành này ở một trường dạy nghề dầu khí?

Nguyễn Ngọc Thanh Trung: Ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam đã và đang phát triển mạnh mẽ, chiếm một vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Ngành công nghiệp này đòi hỏi kỹ thuật cao, chi phí đầu tư lớn, nhiều rủi ro. Nên con người và thiết bị hoạt động trong lĩnh vực này cũng cần phải có mức độ tin cậy cao và an toàn tuyệt đối.

Chính vì vậy mà có thông lệ quốc tế: Tất cả các cán bộ, công nhân viên làm việc trong ngành Dầu khí đều phải trải qua các khóa huấn luyện về an toàn và môi trường. Đặc biệt là đối với những người làm việc trên các giàn khoan, thực hiện các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm dầu khí thì đòi hỏi không phải chỉ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao mà còn phải có những kiến thức và kỹ năng nhất định về an toàn và ứng phó khẩn cấp.

Cũng bởi lý do đó mà các nhà thầu dầu khí Việt Nam và nước ngoài đưa ra những chuẩn mực đào tạo hết sức nghiêm ngặt và nhất thiết cần phải có những trung tâm đào tạo đáp ứng được những yêu cầu đó. Trong hệ thống đào tạo ở Việt Nam, công tác đào tạo huấn luyện về an toàn – môi trường trong hoạt động dầu khí được xem là một lĩnh vực đặc thù không giống các loại hình đào tạo khác. Công tác này được các nhà thầu chú trọng, thường xuyên đánh giá kiểm tra và đặt ra các yêu cầu nghiêm ngặt về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên chuyên ngành, tài liệu, trang thiết bị và phương pháp huấn luyện.

PV: Vậy công việc cụ thể của anh là gì, để góp sức mình vào sự nghiệp chung này của ngành nói chung và của trường nói riêng?

Nguyễn Ngọc Thanh Trung: Trong 5 năm vừa qua, từ 2006 đến 2010, bản thân tôi đã trực tiếp tham gia giảng dạy trên 400 khóa học về an toàn tại khoa với tổng số trên 5.000 lượt học viên. Bên cạnh đó tôi cũng trực tiếp trợ giảng trên 60 khóa học cho các giáo viên nước ngoài của các trung tâm đào tạo có uy tín như: Athena Hess (Singapore), ACTS (Thái Lan), AirSafe (Australia)… biên soạn và dịch thuật nhiều giáo trình đào tạo an toàn để phục vụ cho công tác đào tạo và nghiên cứu của đội ngũ giáo viên trong khoa… Công việc thì nhiều, bởi một giáo viên dạy nghề, nhất là về an toàn thì không thể chỉ lên lớp giảng dạy lý thuyết mà sẽ phải thường xuyên suy nghĩ đề xuất sáng kiến cải tiến đổi mới phương pháp giảng dạy, sao cho môn học này – vốn thường được xem là “ít hấp dẫn” có thể trở nên gần gũi, sinh động và học viên dễ tiếp thu để từ đó có thể ứng dụng vào thực tiễn.

PV: Có vẻ như ở các đơn vị sản xuất, cái gọi là sáng kiến sáng chế sẽ có nhiều đất để phát huy hơn là nghề giáo…

Nguyễn Ngọc Thanh Trung: Tôi không cho là như vậy. Vì ở bất cứ vị trí, vai trò nào, công việc nào, ngành nghề nào, cũng có thể có vô số những phát minh, sáng kiến, sáng chế đã được nghiên cứu, ứng dụng thành công. Trong các kỳ thi, các giải thưởng trong nước và trên thế giới đều phong phú các thể loại và hình thức khác nhau đó thôi. Theo tôi thì điều then chốt là mình phải là người có tâm huyết thật sự và yêu nghề, đặc biệt là nghề giáo.

PV: Nhưng nghề giáo thì thường là dạy theo giáo án, làm sao để sáng kiến, sáng chế trên cơ sở những kiến thức hay những định luật đã được kiểm chứng qua bao đời?

Nguyễn Ngọc Thanh Trung: Những kiến thức, nguyên tắc và định luật v.v… nói chung là những điều cần nhớ và áp dụng vào thực tiễn một cách linh hoạt. Điều đó lại càng có ý nghĩa hơn khi tôi dạy về an toàn, thoát hiểm, cứu sinh và cứu nạn. Việc chuyển tải cho học viên những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm của những nạn nhân đã sống sót trong những tai nạn, thảm họa thực tế là điều hết sức cần thiết. Sáng kiến – sáng chế trong khoa của tôi, không chỉ dừng lại ở việc vận dụng những kiến thức và kinh nghiệm đó của những người đi trước lồng ghép vào trong bài giảng sao cho thật sinh động và súc tích, hay trong việc chế tạo những giáo cụ trực quan, mà còn là việc áp dụng các công nghệ mới trong đào tạo thực hành như các khóa học chữa cháy, thoát hiểm máy bay, cứu nạn… Ngoài ra, đó còn là việc đổi mới phương pháp dạy học (bao gồm cách giảng, cách học, cách tự học, cách giải quyết các tình huống thực tế) sao cho hướng tới việc phát huy tối đa tính chủ động của người học, một trong những nhân tố cốt lõi tôi cho rằng cần phải tập trung phát huy khi dạy và học ở một trường dạy nghề…

PV: Điều gì ở công việc này hấp dẫn anh?

Nguyễn Ngọc Thanh Trung: Được vinh dự góp phần bé nhỏ cho sự nghiệp phát triển bền vững của ngành nói riêng và xã hội nói chung (trên khía cạnh đào tạo nguồn nhân lực và đảm bảo an toàn cho các công trình dầu khí), góp phần mang đến hạnh phúc cho học sinh, cho người lao động vì giúp họ nhận ra các mối nguy để phòng tránh tai nạn, thương tích. Mặt khác, đó cũng là cơ hội để tôi được giao lưu, học hỏi rất nhiều từ các chú, các anh trong ngành và từ những chuyên gia nước ngoài (chiếm gần 40% số lượng học viên) và cuối cùng được đi đến nhiều quốc gia, nhiều công trình, tăng vốn kiến thức và kinh nghiệm sống!

PV: Xin cảm ơn anh!

Sáng kiến – sáng chế trong khoa của tôi, không chỉ dừng lại ở việc vận dụng những kiến thức và kinh nghiệm của những người đi trước lồng ghép vào trong bài giảng sao cho thật sinh động và súc tích, hay trong việc chế tạo những giáo cụ trực quan, mà còn là việc áp dụng các công nghệ mới trong đào tạo thực hành như các khóa học chữa cháy, thoát hiểm máy bay, cứu nạn…

Nguyễn Ngọc Thanh Trung

Thành Lê (thực hiện)

Năng lượng Mới số 138, ra thứ Ba ngày 17/7/2012

DMCA.com Protection Status