Thăm lại phòng tuyến cũ

13:07 | 11/04/2019

582 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Tháng 3/2019, đoàn cựu sinh viên K21&22 Đại học Mỏ - Địa chất thăm lại bản Cốc Lùng, xã Vân Tùng, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Cạn, nơi các anh chị em góp phần xây dựng phòng tuyến chống quân xâm lược cách đây 40 năm.

Ký ức năm 79

Ngày 17/2/1979, 60 vạn quân xâm lược tấn công toàn bộ tuyến biên giới phía Bắc nước ta. Quân dân ta ở các tỉnh biên giới, chủ yếu là lực lượng bộ đội địa phương, đã chống trả vô cùng mãnh liệt, nhất là ở Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, sau đó là Hà Giang.

Đáp lại lời kêu gọi của Tổ quốc khi bị lâm nguy, Trường ĐH Mỏ - Địa Chất lúc đó đóng quân ở Mỏ Chè, Phổ Yên, Bắc Thái đã thành lập một Trung đoàn Sinh viên Quốc dân quân hơn 1.000 người, bao gồm một số cán bộ giảng viên và toàn bộ sinh viên các khóa 21, 22 do thầy Võ Năng Lạc, Hiệu phó, làm Trung đoàn trưởng, cấp tốc lên đường xây dựng phòng tuyến ở Ngân Sơn, gần mặt trận Tài Hồ Sìn (lúc đó thuộc Cao Bằng).

tham la i pho ng tuye n cu
Lễ xuất quân tại Quảng trường Sông Công

Khoảng 8h sáng, sinh viên tập trung tại sân vận động của trường và lần lượt lên thùng xe tải của Đoàn vận chuyển hàng hóa số 6 (đóng tại Ba Hàng, Phổ Yên) để lên đường. Tại lễ xuất quân, thầy Trường Biên (Trưởng khoa Dầu khí) dặn dò thầy Lê Xuân Lân, Tổ trưởng Bộ môn Khoan: “Tôi giao các em sinh viên Dầu khí cho anh, anh phải có trách nhiệm bảo vệ các em”, lời dặn dò ấy làm cho sinh viên, nhất là sinh viên khoa Dầu khí cảm động. Trên đường đi chúng tôi được cảm nhận trực tiếp không khí của chiến tranh khi chứng kiến từng đoàn người, đa số là người già, phụ nữ, trẻ em sơ tán từ vùng biên giới vào nội địa. Thấy chúng tôi hành quân lên, họ nói với theo: “Các chú lên mặt trận bảo vệ cho dân nhé, nhà chúng tôi bị giặc đốt rồi”. Xúc động, chúng tôi hát vang bài “Chiến đấu vì độc lập tự do” của nhạc sĩ Phạm Tuyên.

Đến bản Cốc Lùng thì trời đã tối mịt. Đoàn đi bộ vào bản, tập hợp, về ở các nhà dân theo sự phân công, chỉ dẫn của Ban Chỉ huy Trung đoàn. Bản Cốc Lùng nằm trong thung lũng, đang trong vùng chiến sự nên các ngả ra vào khu tập kết đều được canh gác 24/24. Mỗi ngày, trung đoàn thay đổi mật khẩu một lần, ra vào các trạm gác đều phải nhận biết nhau qua mật khẩu. Nhiệm vụ của trung đoàn là đào chiến hào trên các sườn núi có bộ đội cắm chốt. Hằng ngày, thầy trò ăn sáng xong là lên chốt, buổi trưa tranh thủ ăn tại chỗ, nghỉ một lát là lại tiếp tục đào. Dụng cụ chỉ có cuốc, xẻng. Núi đá tai mèo rất cứng, dụng cụ đào thô sơ, tay nhiều em rộp phồng, rớm máu.

Sau 3 tháng xây dựng phòng tuyến, công trình cơ bản hoàn thành và tình hình chiến sự tạm yên, Trung đoàn được lệnh trở về Phổ Yên tiếp tục công tác giảng dạy, học tập.

Hành trình thăm lại Ngân Sơn

7h ngày 16/3/2019, đoàn cựu sinh viên K21&22 (khoảng 100 người) và một số thầy giáo với 6 xe xuất phát từ Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội.

tham la i pho ng tuye n cu
Thăm và tặng quà điểm trường Đèo Gió.

Trên đường đi đoàn dừng lại ở Quảng trường Sông Công, TP Thái Nguyên (trước cổng Đại học Mỏ - Địa Chất khi xưa) làm lễ xuất quân và tưởng niệm cố GS-TS. Võ Năng Lạc, Hiệu phó, Trung đoàn trưởng lúc bấy giờ.

Tới Đèo Gió, quang cảnh thiên nhiên vẫn như xưa: mưa dầm gió bấc, rét căm căm, sương mù dày đặc quanh núi đồi. Tuy nhiên nơi đây xuất hiện một số cửa hàng dịch vụ, nhà hàng nhỏ, khách sạn mini. Cạnh Đèo Gió có một điểm trường tiểu học với khoảng vài chục học sinh và 3 thầy cô giáo. Các cháu học sinh nói tiếng Kinh khá lưu loát. Các thầy cô, học sinh rất vui mừng, cảm ơn những món quà gồm sách vở, đồ dùng học tập và một số tiền do Ban tổ chức chuyến đi trao tặng (12 triệu đồng, 10 bộ bảng viết treo tường và 300 vở tập viết).

Thăm bản Cốc Lùng

Tới Cốc Lùng, mọi người bồi hồi xúc động. Con đường mòn xưa vào bản dốc cao, gập ghềnh, trơn trượt nay được thay bằng đường bê tông, xe tải nhỏ và xe ca 16 chỗ có thể vào tận nơi. Chủ tịch xã đã lái xe bán tải 4 chỗ dẫn đường cho đoàn. Không thấy các chàng trai cô gái với bộ quần áo dân tộc màu chàm của người Tày, Nùng, váy áo sặc sỡ của người Dao Tiền như trong ký ức. Những mái nhà sàn, nơi đã ở khi xưa, kể cả ngôi nhà sàn cao rộng nhất bản nơi Trung đoàn bộ đóng, nay không còn nữa, thay vào đó là những ngôi nhà xây gạch, lợp ngói hoặc fibro xi măng. Bờ suối nơi các đại đội đã từng lấy nước sinh hoạt cũng có nhiều đổi thay. Những vườn đào, vườn mận cạnh suối hoa nở rộ dịp tháng 3 ngày trước nay lưa thưa. Xa xa mấy con bò cúi mình gặm cỏ, đàn chó, đàn gà chạy quanh trong vườn.

Chủ tịch xã Vân Tùng cho biết hầu hết người già lớn tuổi ngày xưa đã mất, một số hộ chuyển đi nơi khác. Tuy vậy vẫn còn một số người như ông chủ tịch xã, năm 1979 mới 16 tuổi và một chị ôm bó lá chuối về thả cho cá ăn mà chúng tôi gặp tình cờ trên đường, lúc bấy giờ mới 6-7 tuổi vẫn còn nhớ tới đoàn thầy giáo, sinh viên lên đây xây dựng phòng tuyến 40 năm về trước. Đoàn thăm lại gia đình và ngôi nhà khi xưa Trung đoàn bộ đóng, một số hộ dân, thăm và tặng quà cho 2 gia đình (anh Sinh và chị Yến, mỗi gia đình 4 triệu đồng).

Đêm lửa trại Phong Phin

tham la i pho ng tuye n cu
Thăm bản Cốc Lùng

20h30, trời se lạnh, mưa lất phất. Ngọn lửa bùng lên, lung linh, rực rỡ, ấm áp. Mọi người ùa ra vây quanh đống lửa. Dù mưa, gió, rét, nhưng ai cũng rạng ngời, mắt lấp lánh niềm vui. Đi vòng quanh đống lửa, tất cả hòa giọng hát “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới ”, bài hát mà 40 năm trước đây những sinh viên quốc dân quân đang độ tuổi 20 đã hát vang trên đường lên biên giới. Sau đó là chương trình văn nghệ (ca, múa, nhạc, ngâm thơ). Trong đêm lửa trại có ông Chủ tịch xã, cô Hiệu trưởng và các thầy cô giáo tham dự. Ông Chủ tịch xã, cô Hiệu trưởng đã nhiệt tình tham gia tiết mục văn nghệ và xúc động cảm ơn đoàn đã đến thăm, tặng quà cho điểm trường và một số hộ dân có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.

Hành trình về phòng tuyến Ngân Sơn của đoàn rất ngắn nhưng có ý nghĩa, để lại nhiều ấn tượng, tình cảm tốt đẹp trong lòng những cựu sinh viên quốc dân quân và cán bộ, nhân dân địa phương.

Thanh Lam Nguyễn

DMCA.com Protection Status