Tìm giải pháp cho các nhà máy nhiên liệu sinh học: Cần có lộ trình bắt buộc sử dụng

08:44 | 13/04/2012

553 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Đi tiên phong trong sản xuất và kinh doanh ethanol, các nhà máy nhiên liệu sinh học (NLSH) của Petrovietnam đang gặp rất nhiều khó  khăn cả về nguyên liệu, sản xuất lẫn thị trường. Ngày 10/4/2012, tại TP Vũng Tàu đã diễn ra hội thảo “Giải pháp cho các nhà máy NLSH” do Tiểu ban Hóa – Chế biến Dầu khí (Petrovietnam) tổ chức. Các nhà quản lý và khoa học đã bàn luận sôi nổi nhằm tìm ra các giải pháp thiết thực, cả ngắn và dài hạn để nâng cao hiệu quả  hoạt động của các nhà máy NLSH.

Khi sản xuất đi trước

Từ năm 2009, thực hiện “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg ngày 20/11/2007, Petrovietnam đã xây dựng 3 nhà máy NLSH sản xuất ethanol từ sắn lát với công suất 100.000m3/năm/nhà máy đặt tại 3 miền của đất nước (Phú Thọ, Quảng Ngãi và Bình Phước). Mặc dù sản xuất NLSH còn rất mới mẻ ở Việt Nam, nhưng các nhà khoa học của Petrovietnam đã rất nỗ lực và nhạy bén trong việc tiếp cận và làm chủ công nghệ này. Lần lượt các nhà máy Bio-ethanol Dung Quất thuộc Công ty Cổ phần Nhiên liệu sinh học Dầu khí Miền Trung (BSR-BF) và Nhà máy NLSH Bình Phước thuộc Công ty TNHH NLSH Phương Đông (OBF) đã có dòng sản phẩm đầu tiên, chuẩn bị kết thúc chạy thử và bàn giao.

Các chuyên gia dày dạn kinh nghiệm của Petrovietnam sôi nổi bàn luận tại hội thảo

Những kinh nghiệm quý có được từ nhà máy đi trước đã mau chóng được các kỹ sư trao đổi và áp dụng cho dự án tiếp sau. Sau khi chính thức vận hành thương mại, 3 nhà máy thuộc PVN sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 300.000m3 ethanol/năm, đủ để pha khoảng 6 triệu m3 xăng E5 (xăng sinh học pha 5% ethanol và xăng gốc khoáng) mỗi năm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xăng của cả nước Năm 2012 dự kiến khoảng 5,6 triệu m3. Dù đang phải rất nỗ lực hoàn thành đúng tiến độ, đặc biệt vào giai đoạn nhà máy bước vào chạy thử chuẩn bị bàn giao, ban quản lý các nhà máy đều làm chủ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất NLSH.

Tại hội thảo, các chuyên gia dày dạn kinh nghiệm của PVN, các nhà khoa học đến từ Đại học Bách khoa TP HCM, Viện Sinh học Nhiệt đới – Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Dầu khí (PVPro) – Viện Dầu khí Việt Nam, các thành viên của Tiểu ban Hóa – Chế biến Dầu khí đã đưa ra nhiều giải pháp về nguyên liệu, công nghệ và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao hiệu quả hoạt động của các nhà máy NLSH trong cả sản xuất sản phẩm chính ethanol và tận thu các sản phẩm phụ. Về nguyên liệu, ngoài sắn ý kiến sản xuất ethanol từ các nông sản sẵn có và dồi dào của Việt Nam như mía, dừa và từ các phế phẩm như rơm rạ, bã mía, thân cây ngô… cũng được thảo luận sôi nổi.

Rất cần lộ trình bắt buộc sử dụng

“Đầu vào” không ổn định lâu dài là một trong những khó khăn đầu tiên mà các nhà máy không thể tự giải quyết. Mặc dù sắn là nguyên liệu dồi dào và khả thi nhất trong số nguyên liệu sản xuất NLSH tại Việt Nam hiện nay, nhưng việc chưa có quy hoạch cơ chế giúp nông dân phát triển vùng sắn nguyên liệu khiến nguồn cung cho các nhà máy khó duy trì lâu dài, ổn định. Thiếu nguyên liệu là một yếu tố khiến 3 nhà máy đang phải sản xuất với chi phí cao, do giá sắn đang chiếm tới khoảng 60% chi phí sản xuất. Theo phân tích của PVPro (VPI), chi phí sản xuất của nhà máy Bio-ethanol Dung Quất đang cao hơn nhà máy tương tự ở Thái Lan tới 26%. Chi phí sản xuất NLSH ở Việt Nam nói chung đang cao hơn một số quốc gia đi trước trên thế giới.

Toàn cảnh hội thảo “Giải pháp cho các nhà máy nhiên liệu sinh học”

Về “đầu ra”, theo ông Nguyễn Anh Toàn, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) – đơn vị phân phối NLSH cho 3 nhà máy, mặc dù đã mở rộng bán xăng E5 tại hơn 150 điểm tại 41 tỉnh, thành trên toàn quốc, nhưng năm 2011, PV Oil chỉ bán được 17.000m3 E5 do người tiêu dùng chưa mặn mà với xăng sinh học và những ưu đãi cho xăng sinh học của Nhà nước không tạo sự khác biệt đáng kể. Ngay cả khi 100% hệ thống của PV Oil và PETEC tiêu thụ xăng E5 vào năm 2013 thì chỉ tiêu thụ hết khoảng 100.000m3 ethanol, chiếm 30% sản lượng của 3 nhà máy NLSH. Do đó, một lượng lớn NLSH sẽ buộc phải xuất khẩu. Ước tính mỗi nhà máy NLSH sẽ thiệt hại trên 400 tỉ đồng/năm nếu phải xuất khẩu toàn bộ ethanol. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là lộ trình bắt buộc sử dụng NLSH đang bị chậm hơn so với năng lực sản xuất thực tế.

Theo ông Nguyễn Đình Hiệp, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương, dự thảo về lộ trình bắt buộc sử dụng NLSH của Bộ Công Thương và liên bộ đã được chuyển tới Văn phòng Chính phủ. Trong dự thảo quy định đến ngày 1/7/2013, lộ trình bắt buộc sử dụng xăng sinh học E5 mới được áp dụng ở 7 tỉnh thành lớn trên toàn quốc (gồm Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, TP HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu và Cần Thơ). Đến ngày 1/1/2015 áp dụng toàn quốc. Tương tự, xăng sinh học E10 sẽ chỉ được áp dụng tại 7 thành phố lớn từ ngày 1/1/2015 và áp dụng toàn quốc từ ngày 1/1/2017. Bên cạnh đó, việc chưa có các ưu đãi về thuế và phí cho doanh nghiệp pha chế, kinh doanh xăng E5 như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu thiết bị, phí môi trường, chưa có hướng dẫn cơ chế bù giá… khiến họ tiếp tục chịu lỗ và thiếu chi phí tiếp tục đầu tư bán hàng.

Để đưa xăng sinh học vào phục vụ hữu ích cho cộng đồng, ngoài nỗ lực của các nhà máy NLSH, rất cần có sự quan tâm, phê duyệt sớm của Chính phủ đối với lộ trình bắt buộc sử dụng NLSH. Đây là cơ sở để triển khai và được xem là yếu tố cạnh tranh sống còn của toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh NLSH. Việc ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi bổ sung cho doanh nghiệp pha chế, kinh doanh NLSH, hỗ trợ nông dân phát triển vùng nguyên liệu là hết sức cần thiết, phù hợp với xu hướng phát triển NLSH của các nước trong khu vực và trên thế giới. Theo các chuyên gia, chỉ có sự ủng hộ của Chính phủ mới giúp các đơn vị sản xuất, kinh doanh NLSH thoát khỏi tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” hiện nay.

Thanh Loan

DMCA.com Protection Status