Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (16-21/10/2023)

08:02 | 23/10/2023

4,882 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Gazprom chuyển hướng khí đốt từ Baltic sang miền nam châu Âu; Thỏa thuận quan trọng của QatarEnergy đối với Hà Lan; Saudi Aramco đầu tư thêm vào LNG để giành vị trí dẫn đầu; PetroChina bắt đầu khai thác mỏ condensate lớn nhất Trung Quốc… là những tin tức nổi bật của các tập đoàn năng lượng quốc tế tuần qua.
Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (16-21/10/2023)

Nhà máy khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đầu tiên của Gazprom - Portovaya LNG được xây dựng trên Biển Baltic, đã phải xem xét lại về chiến lược tiếp thị cơ bản của mình trong năm đầu tiên hoạt động. Mặc dù ban đầu công ty định hướng phục vụ các thị trường ở Tây Bắc Âu, nhưng tình hình ở Ukraine đã buộc công ty phải chuyển hướng cung cấp sang Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Nhà máy không có hợp đồng dài hạn và chỉ giao hàng cho thị trường giao ngay. Ngoài ra, Gazprom đã bắt đầu thử nghiệm nguồn cung cấp cho Trung Quốc với lô hàng thứ hai hiện đang trên đường tới châu Á, dù không phải qua tuyến đường biển phía Bắc mà qua kênh đào Suez. Theo các nhà phân tích, Gazprom khó có thể cố thủ ở thị trường Hy Lạp do bất lợi từ Liên minh châu Âu (EU) đối với khí đốt Nga, trong khi lợi nhuận của việc giao hàng sang Trung Quốc vẫn chưa được tối ưu do phải vận chuyển đường dài.

Cũng trong tuần qua, Gazprom cho biết sẽ bổ sung thêm lượng khí đốt cung cấp cho Trung Quốc và Hungary trong năm nay. Cụ thể Gazprom sẽ cung cấp 600 triệu mét khối khí đốt cho Trung Quốc vào năm 2023 ngoài các khối lượng theo theo hợp đồng đã ký, ông Miller cho biết trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Pavel Zarubin về chương trình "Moscow. Kremlin. Putin" trên Kênh truyền hình Rossiya-1.

Hôm thứ Năm 19/10, công ty dầu mỏ nhà nước Brazil Petrobras cho biết họ sẽ giảm giá xăng bán cho các nhà phân phối và tăng giá dầu diesel bắt đầu từ ngày 21/10. Petrobras cho biết giá xăng sẽ giảm trung bình 0,12 reais (0,024 USD)/lít, trong khi giá dầu diesel sẽ tăng 0,25 reais/lít. Đầu năm nay, công ty đã từ bỏ chính sách định giá dựa trên thị trường để chuyển sang chính sách mà giúp công ty linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh biến động giá.

TotalEnergies sẽ duy trì mức trần giá nhiên liệu ở mức 1,99 euro mỗi lít trong cả năm 2024, một biện pháp mà tập đoàn này từng đe dọa sẽ dừng lại trong trường hợp chính phủ gia hạn thuế đối với các nhà máy lọc dầu.

Trong khi châu Âu đang ở vị trí tốt hơn nhiều về nguồn cung năng lượng trong mùa đông này so với năm ngoái, công ty năng lượng khổng lồ Equinor của Na Uy cảnh báo rằng thị trường sẽ vẫn biến động do thời tiết và kỳ vọng về sự cạnh tranh mới từ châu Á đối với LNG. Giám đốc điều hành Equinor Anders Opedal nói: "Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để bảo đảm rằng chúng tôi tối đa hóa khí đốt đi qua các đường ống, nhưng châu Âu sẽ phụ thuộc vào nguồn cung cấp LNG". Equinor là nhà sản xuất khí đốt lớn nhất trên thềm lục địa Na Uy và là nhà cung cấp khí đốt lớn thứ hai ở châu Âu, cung cấp hơn 20% lượng khí đốt của châu Âu.

QatarEnergy đã ký thỏa thuận mua bán khí đốt hóa lỏng (LNG) có thời hạn 27 năm với Tập đoàn năng lượng đa quốc gia Royal Dutch Shell để cung cấp tới 3,5 triệu tấn LNG mỗi năm từ Qatar sang Hà Lan, Upstream Online đưa tin. QatarEnergy cho biết: “LNG sẽ được giao đến trạm đầu mối Gate LNG nằm ở cảng Rotterdam bắt đầu từ năm 2026 với thời hạn 27 năm”. Công ty lưu ý rằng như một phần của thỏa thuận khí đốt gần đây nhất, “khối lượng LNG sẽ được lấy từ hai liên doanh giữa QatarEnergy và Shell có cổ phần trong các dự án North Field East và North Field South mở rộng của Qatar”.

Tập đoàn Vitol, hãng kinh doanh dầu độc lập lớn nhất thế giới, có kế hoạch chi một nửa chi phí vốn trị giá 2 tỷ USD cho năng lượng tái tạo, Giám đốc điều hành của tập đoàn Russel Hardy cho biết tại Diễn đàn Năng lượng ở London. Bình luận về nhu cầu dầu và giá dầu tại diễn đàn, nhà lãnh đạo Vitol cho biết nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng vào năm 2024 và ông kỳ vọng giá dầu sẽ ở mức 80-90 USD/thùng vào năm tới.

Các liên đoàn lao động đã tạm dừng kế hoạch đình công tại các cơ sở khí đốt tự nhiên hóa lỏng của tập đoàn Chevron ở Úc, chấm dứt một cuộc tranh chấp đã làm biến động thị trường nhiên liệu toàn cầu. Việc công nhân chấp nhận các điều khoản trong thỏa thuận đã giải quyết một cách hiệu quả tranh chấp gây ra các cuộc đình công vào tháng trước tại các cơ sở Gorgon và Wheatstone của Chevron, chiếm khoảng 7% nguồn cung LNG toàn cầu vào năm ngoái. Các công nhân dọa đình công lần nữa sau khi họ chỉ trích công ty bội ước cam kết với Ủy ban Công bằng lao động của Úc.

Giám đốc điều hành tập đoàn dầu mỏ Aramco của Ả Rập Xê-út, Amin Nasser cho biết, công ty của ông có kế hoạch đầu tư nhiều hơn vào khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) để củng cố kế hoạch trở thành tập đoàn dẫn đầu thị trường khí đốt hàng hải. Vào tháng 9, Aramco cho biết họ đã đồng ý mua lại cổ phần thiểu số chiến lược của công ty LNG MidOcean Energy với giá 500 triệu USD, kèm theo tùy chọn tăng quy mô cổ phần. Aramco cũng đã cân nhắc việc mua cổ phần tại Port Arthur LNG ở Mỹ - một gã khổng lồ trong ngành dầu mỏ cũng đang kinh doanh LNG.

Công ty Trung Quốc Sinopec đã ký thỏa thuận tham gia với công ty dầu khí nhà nước KazMunayGas (KMG) của Kazakhstan để mua 30% cổ phần trong một dự án polyetylen đã được lên kế hoạch ở Kazakhstan, Sinopec cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Ba (17/10). Hai công ty trước đó cho biết họ đã đồng ý "các điều khoản chính" cho dự án vào tháng 5 năm nay, bên lề Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Trung Á. Theo thông cáo báo chí, dự án nằm ở vùng Atryau phía tây Kazakhstan, có công suất thiết kế 1,25 triệu tấn mỗi năm. Tổng chi phí của dự án là 7,7 tỷ USD, hãng thông tấn nhà nước Kazakhstan Kazinform đưa tin hôm thứ Ba (17/10).

Tập đoàn năng lượng khổng lồ thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc PetroChina đã đưa vào khai thác mỏ Bozidabei, mỏ condensate lớn nhất đất nước, tại lưu vực Tarim phía tây bắc Trung Quốc, Upstream Online đưa tin. PetroChina cho biết dự án này có diện tích 13.000 km2 ở phía nam Tân Cương, bao gồm một nhà máy xử lý khí đốt, thiết bị ổn định condensate và đường ống xuất khẩu dầu và khí đốt với công suất hàng năm là 12 tỷ m3. PetroChina đã khoan 15 giếng siêu sâu tại mỏ này kể từ đầu năm nay, nâng tổng số giếng lên hơn 100. Công ty dự kiến sẽ khai thác được 9 tỷ m3 khí đốt và 600.000 tấn condensate trong năm nay. Trong khi đó, 18 giếng siêu sâu khác đang được khoan. Theo kế hoạch của công ty, đến năm 2025, mỏ sẽ có công suất 10 tỷ m3 khí đốt và 1,02 triệu tấn condensate mỗi năm. Bozidabei là một trong 14 mỏ khí ngưng tụ mà PetroChina đã phát triển ở lưu vực Tarim, nơi có tổng sản lượng hàng năm là 15 tỷ m3 khí đốt và 1,5 triệu tấn condensate.

Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (18-23/9/2023)Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (18-23/9/2023)
Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (2-7/10/2023)Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (2-7/10/2023)
Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (9-14/10/2023)Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (9-14/10/2023)

Nh.Thạch

AFP

DMCA.com Protection Status