Tin Thị trường: Ấn Độ ​​​​từ chối yêu cầu thanh toán dầu Nga bằng đồng Nhân dân tệ

15:37 | 23/10/2023

5,269 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Viện Kinh tế Năng lượng Nhật Bản (IEEJ) cho rằng cần đầu tư 7 nghìn tỷ USD cho nguồn cung khí đốt toàn cầu; Ấn Độ ​​​​từ chối yêu cầu thanh toán dầu Nga bằng đồng Nhân dân tệ...
Tin Thị trường: Ấn Độ ​​​​từ chối yêu cầu thanh toán dầu Nga bằng đồng Nhân dân tệ

Ấn Độ ​​​​từ chối yêu cầu thanh toán dầu Nga bằng đồng Nhân dân tệ

Các quan chức Ấn Độ mới đây nói với Bloomberg rằng chính phủ nước này sẽ từ chối yêu cầu thanh toán tiền nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đồng Nhân dân tệ.

Nga và các công ty của nước này cần tiền Trung Quốc vì thương mại của Nga ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc sau cuộc xung đột tại Ukraine và các lệnh trừng phạt đối với Nga. Trên thực tế, Moscow có rất nhiều đồng Rupee Ấn Độ trong khi đang cần Nhân dân tệ. Các công ty Nga phần lớn đã từ bỏ thanh toán bằng đồng USD và đồng euro do các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Theo nguồn tin của Bloomberg, các công ty dầu mỏ Nga gần đây đã yêu cầu thanh toán bằng Nhân dân tệ, nhưng chính phủ Ấn Độ được cho là sẽ không đồng ý với những yêu cầu này. Một số chuyến hàng dầu thô từ Nga đến Ấn Độ gần đây đã bị trì hoãn do các bên không thống nhất được đồng tiền thanh toán.

Tuần trước, các nguồn tin giấu tên của Bộ Tài chính Ấn Độ nói với Reuters rằng việc thanh toán bằng đồng tiền Trung Quốc cho bảy lô dầu thô Nga được nhập khẩu bởi các nhà máy lọc dầu quốc doanh Ấn Độ đang bị trì hoãn do sự chần chừ của chính phủ Ấn Độ trong việc chấp nhận hình thức thanh toán này.

Tập đoàn Dầu khí Nhà nước Ấn Độ trước đây đã thanh toán bằng nhân dân tệ, trong khi Tập đoàn Dầu khí Bharat và Hindustan Petroleum vẫn chưa sử dụng đồng tiền Trung Quốc, mặc dù các nhà cung cấp đã yêu cầu điều này.

Ấn Độ đã tăng cường nhập khẩu dầu thô của Nga trong năm qua do nguồn cung từ Nga rẻ hơn so với dầu thô từ Trung Đông. Từ tháng 4 đến tháng 9 năm nay, nhập khẩu dầu thô từ Nga vào Ấn Độ tăng hơn gấp đôi lên 1,76 triệu thùng/ngày từ 780.000 thùng/ngày trong cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu theo dõi tàu được Reuters trích dẫn.

Mỹ có kế hoạch bổ sung dầu cho kho SPR

Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) muốn mua 6 triệu thùng dầu thô cho kho dự trữ xăng dầu chiến lược (SPR) như một phần của nỗ lực bổ sung nguồn dự trữ này sau đợt giải phóng gần 200 triệu thùng vào năm ngoái.

Quyết định xả kho SPR là nỗ lực của chính quyền Tổng thống Biden nhằm hạ giá nhiên liệu bán lẻ sau khi nổ ra cuộc xung đột Nga - Ukraine. Ở thời điểm đó, một số người đã cảnh báo động thái này sẽ làm cạn kiệt kho dự trữ xăng dầu chiến lược.

Năm nay, Bộ Năng lượng Mỹ đã nhiều lần cho biết muốn bắt đầu nạp lại SPR nhưng mức giá dường như chưa bao giờ phù hợp, trong bối cảnh bộ này tự đặt ra mức giá từ 68 đến 72 USD/thùng để có thể bổ sung cho kho dự trữ.

Ngay cả khi giá đã giảm xuống mức thấp hơn 70 USD vào đầu năm nay, Bộ Năng lượng Mỹ chỉ mua vài triệu thùng cho SPR, vốn vẫn ở mức thấp nhất trong 40 năm. Theo Reuters, tổng số dầu đã mua cho đến nay là 4,8 triệu thùng, và mức giá DOE phải trả trung bình dưới 73 USD/thùng. Thời điểm hiện tại, DOE thông báo đã sẵn sàng mua dầu để dự trữ ở mức giá 79 USD/thùng hoặc thấp hơn. Khung thời gian cho việc mua dầu tiềm năng là tháng 12 và tháng 1 tới.

Chuẩn dầu WTI hiện đang giao dịch ở mức 90 USD/thùng. Liệu nó có thể giảm xuống 79 USD trong hai tháng tới hay không là điều không ai đoán được, nhưng xét đến việc OPEC, và cụ thể hơn là Ả Rập Xê-út, vẫn quyết tâm hạn chế sản lượng, cơ hội cho điều đó là rất mong manh, ngay cả khi sản lượng dầu của Venezuela tăng cao hơn khi Washington dỡ bỏ lệnh trừng phạt dầu mỏ trong sáu tháng.

Thông tin về kế hoạch nạp lại SPR đã giúp đẩy giá dầu lên cao hơn, làm giảm khả năng WTI sớm hạ xuống 79 USD.

IEEJ: Cần 7 nghìn tỷ USD cho nguồn cung khí đốt tự nhiên toàn cầu

Viện Kinh tế Năng lượng Nhật Bản (IEEJ) cho rằng, khoảng 7 nghìn tỷ USD đầu tư toàn cầu vào nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên là cần thiết để đảm bảo đủ nhu cầu và tránh khủng hoảng nguồn cung cho đến năm 2050.

Theo báo cáo của IEEJ được Bloomberg trích dẫn, khi các quốc gia tìm cách cắt giảm khí thải và chuyển sang sử dụng khí đốt từ than, các khoản đầu tư này sẽ phải dành cho việc phát triển các mỏ khí đốt mới, xây dựng các cơ sở xuất khẩu LNG mới và mở rộng các nhà máy hiện có.

Tuy nhiên, trong kịch bản lượng khí thải duy trì ở mức hiện tại vào năm 2050, thế giới sẽ cần gần 10 nghìn tỷ USD để tránh tình trạng thiếu khí đốt, cơ quan của Nhật Bản cho hay.

Hồi đầu tháng này, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết tốc độ tăng nhu cầu khí đốt tự nhiên trong những năm tới dự kiến ​​sẽ chậm lại.

Giám đốc An ninh và Thị trường Năng lượng của IEA Keisuke Sadamori nhận định: "Sau thời hoàng kim từ năm 2011 đến năm 2021, thị trường khí đốt thế giới đã bước vào một thời kỳ mới và bất ổn hơn, được thể hiện bởi tăng trưởng thấp hơn và biến động cao hơn và có thể dẫn đến đạt đỉnh về nhu cầu toàn cầu vào cuối thập kỷ này".

Về phần mình, Liên minh Khí đốt Quốc tế (IGU) gồm các hãng khai thác chiếm 90% thị trường khí đốt toàn cầu mới đây nói rằng, nhiều quan điểm trái ngược nhau về nhu cầu khí đốt tự nhiên trong những năm tới khiến các hãng khai thác ngần ngại đầu tư vào nguồn cung mới.

IGU nói: "Sự không chắc chắn về nhu cầu chưa từng có và mức đầu tư không đủ vào khí đốt tự nhiên, khí carbon thấp và khí tái tạo đang khiến quá trình chuyển đổi năng lượng gặp rủi ro, làm suy yếu khả năng chi trả, an ninh và tính bền vững của năng lượng".

Bình An

DMCA.com Protection Status