Trường cao đẳng Nghề Dầu khí: Đào tạo theo nhu cầu phát triển của ngành

14:36 | 20/11/2012

1,488 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Là cơ sở đào tạo đầu tiên sau khi Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam được thành lập (9/8/1975), Trường cao đẳng Nghề Dầu khí (PVMTC) ra đời ngày 7/11/1975; trong 37 năm qua, trường đã thực hiện và đào tạo được 120.697 lượt học viên cho ngành. Nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 và cũng là tháng kỷ niệm ngày thành lập trường, phóng viên Báo Năng lượng Mới có cuộc trò chuyện với Phó hiệu trưởng - Phó bí thư Đảng Ủy Nhà trường - Ths. Trần Thẩm để hiểu thêm về đặc thù của nghề giáo trong ngành Dầu khí.

PV: Thưa ông, có gì khác biệt giữa Trường cao đẳng Nghề Dầu khí và các trường đào tạo nghề khác trong cả nước?

Ths. Trần Thẩm: Trường chúng tôi có loại hình đào tạo rất đặc thù, đó là đào tạo nguồn nhân lực trước tuyển dụng (pre-employment) cho các dự án trọng điểm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hay còn gọi là đào tạo theo nhu cầu thực tế sản xuất. Vì thế, các dự án như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Nhà máy Đạm Cà Mau, Nhà máy Điện Nhơn Trạch 1 và 2, Điện Cà Mau, Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất, Nhà máy Sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng và các dự án khí nhỏ trên cả nước thì kỹ sư, công nhân vận hành và bảo dưỡng đều do nhà trường đào tạo.

Bên cạnh đó, loại hình đào tạo của trường rất đa dạng như đào tạo nghề gồm (sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề); Đào tạo bồi dưỡng thường xuyên và nâng cao; Đào tạo trước tuyển dụng cho các dự án; Đào tạo ngoại ngữ - tin học; Đào tạo an toàn - môi trường; Kết hợp với các trường đại học đào tạo trình độ đại học và sau đại học. Được cái thuận lợi là nhà trường được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trang bị thiết bị máy móc rất hiện đại, phong phú nên phục vụ rất tốt cho việc dạy và học.

Phó hiệu trưởng – Phó bí thư Đảng ủy Trường PVMTC - Ths. Trần Thẩm

Điểm nổi bật nữa của trường là công tác đào tạo giáo viên luôn được chú trọng. Tất cả giáo viên đều học đúng chuyên ngành trong và ngoài nước, có kỹ năng mềm, ngoại ngữ luôn được nâng cao. Giáo viên phải cập nhật kiến thức liên tục, học các khóa ngắn hạn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, học tiếp lên cao đều được nhà trường tạo điều kiện tối đa để đi học.

PV: Với đặc thù ngành nghề như vậy nên giáo viên của trường PVMTC và giáo viên các trường nghề khác cũng có nhiều khác biệt?

Ths. Trần Thẩm: Đặc thù của trường là chương trình đào tạo các môn học được thiết kế ở dạng mô đun và nội dung đào tạo, giảng dạy mô đun thiên về hướng thực hành nên giáo viên nhà trường bên cạnh việc nắm vững lý thuyết còn phải thành thạo trong thực hành. Do vậy, một mặt, tất cả giáo viên đều phải học và tự đào tạo liên tục vì kiến thức ngành Dầu khí tăng lên và thay đổi hằng ngày, đồng thời giáo viên thường xuyên đi thực hành tại các nhà máy trong ngành như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Đạm Phú Mỹ… để lấy kinh nghiệm thực tế phục vụ tốt hơn cho công tác giảng dạy.

PV: Lâu nay lương trong ngành giáo dục thường ở mức thấp và giảng viên ở các trường cao đẳng và đại học trên cả nước thường phải chạy sô để kiếm thêm thu nhập, liệu giáo viên trường PVMTC có rơi vào tình trạng tương tự?

Ths. Trần Thẩm: Tôi có thể khẳng định một điều là giáo viên trường PVMTC sẽ không chạy sô. Vì thu nhập bình quân của trường là 19 đến 20 triệu đồng/tháng nên đảm bảo được nhu cầu của cuộc sống. Ngoài ra, giáo viên trong nhà trường còn tự đào tạo và tham gia các khóa đào tạo nâng cao kiến thức sẽ tạo cơ hội phát triển và thăng tiến trong nghề nghiệp rất tốt. Mặt khác, điều kiện làm việc của giáo viên rất thuận lợi với trang thiết bị giảng dạy hiện đại, phòng thí nghiệm hiện đại cùng hệ phòng ốc rất quy củ, đầy đủ. Quan trọng hơn nữa là PVMTC có một môi trường làm việc thân thiện, cởi mở… Với những gì mà chúng tôi đã nêu trên thì giáo viên của trường sẽ toàn tâm, toàn ý làm việc cho nhà trường.

PV: Với đặc thù của ngành Dầu khí làm việc trong môi trường rất khắc nghiệt, đòi hỏi kỹ thuật cao, kỷ luật gắt gao và ngoại ngữ là điều kiện không thể thiếu. Vậy  yêu cầu đối với sinh viên Trường cao đẳng Nghề Dầu khí là gì, thưa ông?

Ths. Trần Thẩm: Mục tiêu đào tạo của từng nghề được nhà trường xây dựng theo đặc thù của mỗi nghề, trong đó phải thể hiện mục tiêu chung là đào tạo mỗi học viên ở 3 yếu tố: Kiến thức kỹ năng, sức khỏe và tác phong công nghiệp. Bên cạnh đó, nhà trường đưa môn Anh văn vào chương trình trong suốt khóa học để đào tạo học viên sau khi tốt nghiệp tại trường có khả năng sử dụng ngoại ngữ trong thực tế công việc.

Các nghề mà nhà trường đào tạo đa số là nghề đặc thù của ngành Dầu khí. Ví như nghề lặn thi công chẳng hạn, đòi hỏi rất khắt khe trong khâu tuyển dụng và trong suốt quá trình đào tạo. Học viên phải có đủ sức khỏe theo yêu cầu, thực hiện lặn ở độ sâu 50m nước biển. Vì thế, học viên phải rèn luyện sức khỏe, kiến thức, kỹ năng tốt để thích ứng với các điều kiện môi trường làm việc khắc nghiệt, đặc biệt là trên biển.

PV: Ông có thể kể một vài kỷ niệm về cách tri ân thầy cô của học viên nhà trường mỗi dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11?

Ths. Trần Thẩm: Đã nhiều năm công tác tại trường, tôi luôn nhận được nhiều lời chúc mừng và thăm hỏi từ các thế hệ học trò cũ. Nhiều em gọi điện chúc mừng tôi từ giàn khoan, tàu khoan hay tàu đang chở dầu đi nước ngoài. Có khi các em gọi điện chúc rất muộn và nói: “Thầy ơi! Em vừa hết ca trực nên gọi chúc thầy hơi muộn, do quy định an toàn nên không được phép sử dụng điện thoại trong giờ làm việc”. Điều đó khiến những người làm nghề giáo như chúng tôi rất xúc động.

Dịp 20-11 năm nay, các em đang bước vào kỳ thi học kỳ I năm học 2012-2013, thay mặt nhà trường, tôi chúc các em thi tốt và làm bài đạt kết quả cao, đây chính là phần thưởng lớn nhất và là cách tri ân giá trị nhất mà các em dành cho thầy cô và nhà trường.

PV: Vừa qua, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam xây dựng đề cương Văn hóa Petrovietnam. Có dịp tham dự buổi lấy ý kiến của Ban Soạn thảo đề cương của Tập đoàn tại trường, thầy Hiệu trưởng có nói rằng: “Chúng tôi sẽ không rập khuôn toàn bộ quy định của Tập đoàn mà sẽ phát hiện và xây dựng thêm những nét riêng của mình. Văn hóa Petrovietnam mang nét riêng của Trường cao đẳng Nghề Dầu khí”. Ông có thể bật mí “Văn hóa Petrovietnam mang nét riêng của Trường cao đẳng Nghề Dầu khí” là gì?

Ths Trần Thẩm: Đặc thù của PVMTC là nhà trường trong doanh nghiệp nhưng truyền thống và văn hóa riêng trong môi trường giáo dục luôn được chú trọng và phát huy. Vì thế, khi bạn bước vào trường sẽ cảm nhận một điều rất rõ đó là sự thân thiện, cởi mở trong văn hóa ứng xử của nhà trường, mà tôi cho đó là nét khác biệt cơ bản giữa trường PVMTC với các doanh nghiệp khác trong ngành Dầu khí. Sự thân thiện thể hiện rất rõ giữa lãnh đạo và nhân viên, giữa giáo viên và học viên, giữa trò với trò và giữa đồng nghiệp với nhau. Chính sự thân thiện, cởi mở này chi phối toàn bộ nhân viên trong nhà trường. Do đó, bên cạnh văn hóa chung của Petrovietnam thì chúng tôi xây dựng môi trường văn hóa nơi làm việc thân thiện, chân tình, đoàn kết, tương thân tương ái đậm chất PVMTC.

PV: Cảm ơn ông, nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, kính chúc ông và nhà trường luôn hoàn thành tốt sự nghiệp trồng người như mục tiêu đã đề ra: “Đào tạo hôm nay - Thành công ngày mai”.

Thiên Thanh

 

 

DMCA.com Protection Status