Xuất khẩu phân đạm: Những tín hiệu lạc quan

16:39 | 21/02/2014

763 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Củng cố thị trường tiêu thụ phân bón sang Campuchia, Myanmar và phát triển sang các nước khác trong khu vực là một trong những chiến lược xuất khẩu trọng tâm của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) trong năm 2014.

Năng lượng Mới số 298

Trước bối cảnh thị trường urê trong nước chuyển sang giai đoạn mới khi cung vượt cầu, bên cạnh việc giữ vững vị thế hàng đầu đối với thị trường trong nước, ngay từ những tháng đầu năm 2014, PVFCCo và các đơn vị thành viên đã tích cực đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường xuất khẩu.

Trong một tín hiệu lạc quan cho chiến lược xuất khẩu phân bón sang thị trường Myanmar, mới đây PVFCCo cho biết Văn phòng đại diện của Tổng công ty tại Yangoon, Myanmar đã phối hợp với khách hàng tiếp nhận lô hàng xuất khẩu Đạm Phú Mỹ đầu tiên trong năm 2014 vào ngày 26/1/2014. Theo thông tin từ PVFCCo, lô hàng này đã được vận chuyển đến cảng Yangoon, Myanmar và bàn giao cho khách hàng đúng tiến độ, an toàn và kịp thời.

Myanmar được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng đối với các doanh nghiệp sản xuất phân bón của Việt Nam có ý định xuất khẩu sang nước này. Myanmarr là nước có diện tích đất nông - lâm nghiệp lớn, từng là cường quốc sản xuất và xuất khẩu gạo với tổng cầu phân đạm hằng năm vào khoảng 1,5 triệu tấn/năm. Myanmar hiện có 19,39 triệu ha đất đai nông nghiệp màu mỡ có thể trồng hơn 60 loại cây nông nghiệp khác nhau từ những loại cây nhiệt đới đến ôn đới, nhưng hiện mới khai thác được 13,15 triệu ha, diện tích đất còn bỏ hoang hóa tới 6,24 triệu ha. Cây nông nghiệp chủ yếu của Myanmar là lúa nước, lúa mì, ngô, đậu các loại, lạc, vừng, bông, mía, hoa hướng dương (lấy dầu), thuốc lá...

PVFCCo đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh với Công ty Phân bón và Hóa chất Campuchia (NCFC)

Xác định đây là thị trường đầy tiềm năng, PVFCCo đã chính thức thành lập Văn phòng đại diện tại Myanmar từ tháng 5/2013.  Đại diện Văn phòng PVFCCo tại Myanmar cho biết mặc dù phải cạnh tranh với sản phẩm urê nhập khẩu tiểu ngạch từ Trung Quốc vào Myanmar nhưng với mẫu mã bao bì đẹp, chất lượng sản phẩm vượt trội, Đạm Phú Mỹ chắc chắn sẽ được người nông dân Myanmar tin tưởng sử dụng.

Theo nhận định, nhờ có vị trí thuận lợi, giao thông thuận tiện (thời gian vận chuyển từ Việt Nam sang Myanmar chỉ mất khoảng 3-5 ngày) và có sự gần gũi, tương đồng với quốc gia có nhu cầu sử dụng phân bón lớn như Myanmar nên các nhà sản xuất phân bón lớn của Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường này sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn nguồn hàng từ Trung Đông, các nước vùng Baltic. Cước phí vận chuyển phân bón từ Việt Nam sang Myanmar so với việc vận chuyển từ các khu vực khác cũng thấp hơn rất nhiều. Đây chính là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho PVFCCo trong quá trình mở rộng thương hiệu vào thị trường Myanmar trong năm 2014.

Ngoài thị trường Myanmar thì thị trường Campuchia đã được các doanh nghiệp sản xuất phân bón của Việt Nam nhắm đến từ lâu. Nhằm thúc đẩy chiến lược xuất khẩu phân đạm trong năm 2014 sang thị trường Campuchia, vào cuối năm 2013, PVFCCo đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh phân bón với Công ty Phân bón và Hóa chất Campuchia (Nitrogen Chemicals and Fertilizer Cambodia Ltd - NCFC) nhằm đẩy mạnh hoạt động hợp tác kinh doanh tại thị trường Campuchia.

Theo Biên bản thỏa thuận, PVFCCo và NCFC sẽ hợp tác chặt chẽ để phân phối các sản phẩm phân bón Phú Mỹ với chất lượng cao, giá cả hợp lý tại thị trường Campuchia góp phần đẩy mạnh việc phát triển nông nghiệp và hỗ trợ nông dân tại thị trường này. Biên bản đã được đại diện lãnh đạo hai doanh nghiệp này ký kết tại Hà Nội vào tháng 12/2013 trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen tại Việt Nam với sự chứng kiến của Thủ tướng và đoàn lãnh đạo cấp cao hai nước.

Được biết, NCFC là thành viên của Royal Group of Companies, Tập đoàn Hoàng gia đầu tư đa ngành có tiềm lực tài chính, hoạt động trong nhiều lĩnh vực tại Campuchia. Campuchia là một trong những thị trường xuất khẩu mục tiêu của PVFCCo trong những năm gần đây. PVFCCo đã chính thức thành lập chi nhánh tại Phnom Penh từ năm 2011 và tới nay đã xuất khẩu khoảng 32.500 tấn phân bón (chủ yếu là sản phẩm Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau) sang thị trường này.

Ngoài việc ký kết hợp đồng phân phối sản phẩm với các đại lý lớn, Chi nhánh PVFCCo tại Campuchia cũng bán hàng trực tiếp tới các đại lý nhỏ ở các tỉnh nhằm phát triển hệ thống phân phối và triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ kỹ thuật nông dân Campuchia.

Với thị trường Campuchia, thời gian qua PVFCCo đã nỗ lực xúc tiến và xuất khẩu tốt. PVFCCo đã tổ chức mô hình trình diễn sử dụng Đạm Phú Mỹ tại Campuchia và thực tế cho thấy, sau khi sử dụng phân bón hợp lý, năng suất đã tăng 3,0-3,5 tấn/ha lên khoảng 6-8 tấn/ha.

Lô hàng Đạm Phú Mỹ đầu tiên xuất khẩu sang Myanmar trong năm 2014

Thị trường Campuchia được lựa chọn để các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu phân bón vì Campuchia khá gần gũi với Việt Nam cả trên phương diện địa lý lẫn quan hệ song phương. Campuchia còn là một nước nông nghiệp với 75% dân số làm nghề nông. Tuy nhiên, do phương thức canh tác của Campuchia còn lạc hậu nên có một khoảng trống thị trường cao cho các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Thống kê cho thấy, Campuchia là nhà nhập khẩu phân bón đứng thứ 108 thế giới, chiếm 0,04% tổng nhập khẩu của toàn thế giới.

Tại thị trường như Campuchia, ngoài PVFCCo thì đã có một số doanh nghiệp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của Việt Nam như Đạm Cà Mau, Phân bón Năm Sao, Phân bón Bình Điền, Công ty CP Bảo vệ Thực vật An Giang… hiện diện. Đó là chưa kể các sản phẩm phân bón giá rẻ của Trung Quốc tấn công dồn dập vào thị trường này. Do Campuchia là thị trường tiềm năng nên các doanh nghiệp phân bón Việt Nam phải cạnh tranh với nhau để có chỗ đứng vững trong thị trường Campuchia. Ngoài ra, còn có sự cạnh tranh của các hãng phân bón nội địa và từ các nước lân cận.

Theo nhận định, điều thách thức hiện nay đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi thâm nhập vào thị trường này là chi phí để đưa sản phẩm phân bón vào hệ thống phân phối của Campuchia còn khá cao, nhà phân phối thích thanh toán theo kiểu gối đầu, thích có lợi nhuận nhanh, ít mong muốn đầu tư dài hạn. Mặt khác, sức mua của người dân còn thấp. Bên cạnh đó, Campuchia thực hiện chính sách tư nhân hóa nền kinh tế nên chi phí thuê đất và xây dựng cơ sở hạ tầng tại đây khá cao. Không ít người dân ở Campuchia còn tồn tại quan niệm sử dụng phân bón là không tốt cho đất. Thủ tục hải quan còn rườm rà.

Bên cạnh đó, các chuyên gia phân bón cho rằng việc xuất khẩu phân đạm ra thị trường Myanmar, Campuchia không phải là không có những thách thức lớn, nhất là sự cạnh tranh từ các đối thủ đáng gờm của Trung Quốc và vùng Trung Đông. Các công ty ở Trung Đông được hưởng lợi thế về nguồn khí đốt giá rẻ, nên sản phẩm của họ rất cạnh tranh về giá cả. Còn Trung Quốc, với năng lực sản xuất 61 triệu tấn/năm, các doanh nghiệp của họ có thừa điều kiện để đưa ra các mức giá xuất khẩu mà không đối thủ cạnh tranh nào ở Đông Nam Á có thể chịu đựng nổi.

Điều đó đòi hỏi PVFCCo nói riêng và các doanh nghiệp sản xuất phân bón của Việt Nam nói chung cần hết sức nỗ lực, tận dụng lợi thế cạnh tranh (về chất lượng, giao thông thuận tiện, cước phí thấp…) trong quá trình mở rộng thương hiệu và thị trường sang Myanmar, Campuchia.

Thế Vinh

DMCA.com Protection Status