Bài học khảo sát và vận hành NMLD Dung Quất

15:45 | 04/04/2011

5,628 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Phát triển ngành công nghiệp lọc hóa dầu là chỉ số đánh giá thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa của mỗi quốc gia, bởi vậy đây là ngành công nghiệp mũi nhọn có vai trò nền tảng với những ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều mặt của một nền kinh tế.

NMLD Dung Quất – cánh chim đầu đàn của ngành hóa dầu Việt Nam

Việt Nam là quốc gia có dự trữ dầu thô vào hàng đầu so với các nước Đông Nam Á, chỉ sau Trung Quốc, Indonexia và Malaixia. Trữ lượng dầu khí của Việt Nam vào khoảng 3 – 4 tỷ tấn dầu quy đổi. Trữ lượng xác minh khoảng 1,05 – 1,14 tỷ tấn.

Năm 2008, sản lượng khai thác dầu khí của Việt Nam đạt gần 22,50 triệu tấn dầu quy đổi, trong đó dầu thô và Condensate đạt 15,00 triệu tấn và 7,50 triệu mét khối khí.Là nước xuất khẩu dầu thô nhưng hàng năm Việt Nam nhạp trên 12,5 triệu tấn xăng dầu. Dự báo đến năm 2015 nhu cầu sử dụng xăng dầu trong nước sẽ vào khoảng 19 triệu tấn, và năm 2020 khoảng 30 đến 35 triệu tấn. Dự án xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất (NMLD Dung Quất) là công trình trọng điểm quốc gia về dầu khí có ý nghía hết sức to lớn đối với việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Ngãi và các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung. Việc đầu tư xây dựng NMLD Dung Quất cho phép chúng ta chế biến dầu thô trong nước, đản bảo từng bước về an ninh năng lượng, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp xăng dầu từ nước ngoài, góp phần vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.

Theo tính toán, NMLD Dung Quất đi vào hoạt động với công suất 6,5 triệu tấn/ năm sẽ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu sử dụng xăng dầu trong nước. NMLD Dung Quất xây dựng tại địa bàn xã Bình Trị và Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi nằm trong quy hoạch của Khu kinh tế Dung Quất với hệ thống cảng biển nước sâu và vịnh kín gió đã tạo nên một vị trí chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Khu vực này sau khi được đầu tư và phát triển sẽ có vai trò rất quan trọng trên các lĩnh vực an ninh, quốc phòng cũng như giao lưu và hội nhập kinh tế.

Trải qua quá trình dài để chuẩn bị cho dự án, ngày 10/7/1997 Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 514/QĐ-TTg phê duyệt dự án Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất theo hình thức Việt Nam tự đầu tư với công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm.

Ngay sau khi có Quyết định, Tổng công ty Dầu khí Việt Nam đã thành lập Ban QLDA NMLD số 1 để thay mặt Chủ đầu tư triển khai dự án. Sau một thời gian tích cực đàm phán, ngày 17/5/2005, Hợp đồng EPC 1+4 đã được ký kết giữa Petrovietnam và Tổ hợp nhà thầu Technip gồm Công ty Technip France (Pháp), Technip Geaproduction (Malaysia), JGC (Nhật Bản), Tecnicas Reunidas (Tây Ban Nha) thực hiện. trong đó Technip France đứng đầu. Ngày 25/6/2005, Hợp đồng EPC 1+4 bắt đầu có hiệu lực.

Ngày 24/8/2005, Hợp đồng EPC 2+3 bao gồm khu bể chứa dầu thô, khu bể chứa sản phẩm, đường ống dẫn và cảng xuất sản phẩm được Petrovietnam ký kết với Tổ hợp Nhà thầu Technip. Hơp đồng EPC 2+3 được các bên thỏa thuận coi như một phụ lục của Hợp đồng EPC 1+4. Ngày 21/9/2005 Hợp đồng EPC 2+3 có hiệu lực. Trước đó ngày 17/6/2005 Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 546/QĐ-TTg về việc điều chỉnh Dự án đầu tư NMLD Dung Quất. Tổng mức đầu tư của dự án theo Quyết định 546/QĐ-TTg là 2,501 tỷ USD chưa bao gồm chi phí tài chính.

Ngày 28/11/2005, Lễ khởi công các gói thầu EPC 1+4 và 2+3 được Tổ hợp Nhà thầu Technip phối hợp với Petrovietnam tổ chức tại công trường.

Sau gần 14 năm xây dựng với biết bao khó khăn sóng gió, hôm qua, ngày 6-1-2011, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã chính thức khánh thành. Mặc dù bị chậm tiến độ 9 năm và vẫn còn một số vấn đề gây nhiều tranh luận, song sự thành công, ý nghĩa và hiệu quả lớn của dự án là không thể phủ nhận.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến hay, nhiều cách làm mới mạnh dạn và quyết liệt, nhiều bài học kinh nghiệm quý giá, được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ thường xuyên của Đảng, Chính phủ, các Bộ, ban ngành từ Trung ương tới địa phương.

Bài học từ công tác khảo sát, đánh giá

Chi phí thực hiện công tác khảo sát chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng chi phí nhưng nếu có rủi ro xảy ra thì ảnh hưởng của nó là vô cùng lớn. Kinh phí sử dụng cho công tác khảo sát địa chất cần được xem xét đảm bảo đủ cho việc chi phí thuê các chuyên gia, phương tiện hiện đại nếu cần thiết, không bó hẹp trong phạm vi tỷ lệ quy định so với tổng mức đầu tư của công trình.

Đề cương khảo sát cần được quan tâm đúng mức, thiết kế lưới khảo sát phải đại diện được toàn bộ cấu trúc địa chất công trình, tránh tình trạng khảo sát không đầy đủ, thiếu chuẩn xác dẫn tới việc nhà thầu đề nghị áp dụng các điều khoản riêng biệt trong trường hợp địa chất khác với kết quả hoặc áp dụng hệ số phòng cao trong việc bỏ giá dự thầy phần hạng mục nền móng.

Công tác khảo sát địa chất phải được thực hiện với khối lượng, số lượng đầy đủ, vị trí khảo sát phải chính xác vào phạm vi dự kiến xây dựng công trình. Khi khoan khảo sát địa chất, không chỉ tuân thủ theo quy định tiêu chuẩn cho từng loại hạng mục công trình mà còn phải căn cứ vào số liệu thực trạng, nếu có dấu hiệu nghi vấn phhair quyết định bổ sung mật độ hay chiều sâu của mũi khoan khảo sát.

Đối với các công trình biển, công tác khảo sát phải được tiến hành trên các điều kiện thời tiết khác nhau để tính toán số liệu chênh lệch về dòng chảy, thùy triều, mực nước… giữa các mùa trong năm, trang thiết bị khảo sát công trình biển phải đảm bảo đầy đủ và hiện đại.

Bài học từ nghiệm thu, vận hành nhà máy

Công tác chạy thử từng phần của nhà máy bắt đầu từ cuối năm 2008. Trên 1.000 kỹ sư vận hành và công nhân kỹ thuật cùng với các chuyên gia của các nhà thầu nước ngoài đã thực hiện vận hành chạy thử các phân xưởng công nghệ của nhà máy. Ngày 22/2/2009, nhà máy đã sản xuất ra dòng sản phẩm đầu tiên.

Qúa trình chạy thử, chạy nghiệm thu công trình tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn và khó có thể lường trước. Việc ký hợp đồng EPC bao gồm cả trách nhiệm chạy thử từng phần, chạy đồng bộ và chạy nghiệm thu nhà máy đối với một Tổ hợp nhà thầu duy nhất đảm bảo cho việc kết nối tất cả các hạng mục công trình.

Bài học từ quá trình vận hành đòi hỏi công tác đào tạo nguồn nhân lực vận hành phải được tiến hành sớm, có kế hoạch và trong giao đoạn cuối của quá trình giám sát xây lắp đã phải đưa toàn bộ lực lượng nhân sự vận hành vào tiếp cận với các hạng mục thiết bị.

Nhà máy cũng nhận thấy cần có một nhà thầu tư vấn giúp vận hành, bảo dưỡng sửa chữa nhà máy ngay từ giai đoạn vừa hoàn tất công tác xây lắp để cùng với nhân lực vận hành của chủ đầu tư chủ động tiếp quản công trình.

Trong quá trình vận hành chạy thử khi công suất chưa ổn định, lại xuất hiện những sự cố kỹ thuật nên việc phối hợp giữa các bên gồm chủ đầu tư, nhà thầu EPC, nhà chế tạo, nhà bản quyền, tư vấn PMC, tư vấn trợ giúp vận hành, nhà thầu cung cấp nguyên liệu dầu thô, hóa phẩm, các đơn vị vận chuyển và bao tiêu sản phẩm… phải phối hợp hết sức chặt chẽ và đồng bộ.

*********

Tổng Giám đốc Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn Nguyễn Hoài Giang cho biết: Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất- công trình trọng điểm quốc gia, đã được Ðảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm chỉ đạo. Ngay từ khi bắt đầu triển khai xây dựng, các phong trào thi đua liên kết và lao động giỏi trên công trường đã thường xuyên được phát động.

Nhà máy đang tập trung sức xử lý những vấn đề kỹ thuật phát sinh sau quá trình tiếp nhận chính thức và vận hành. Ðồng thời, tiếp tục nghiên cứu triển khai Dự án mở rộng, nâng công suất chế biến nhà máy từ 6,5 triệu tấn lên 10 triệu tấn dầu thô/năm, có khả năng hoàn thành vào năm 2016. Ðây là chiến lược phát triển của ngành dầu khí theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng một Trung tâm lọc hóa dầu đầu tiên của Việt Nam tại Khu kinh tế Dung Quất.

Đức Chính (theo vietnamnet)

DMCA.com Protection Status