Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 26/3/2023

18:52 | 26/03/2023

5,942 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Cả nước tiết kiệm hơn nửa tỉ đồng sau 1 giờ tắt đèn Giờ Trái đất; Châu Phi có thể trở thành nhà cung cấp hydro xanh chính cho châu Âu; EU tranh cãi về năng lượng hạt nhân… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 26/3/2023.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 26/3/2023
Tháp giải nhiệt nhà máy điện hạt nhân ở Civaux, Pháp. Ảnh: Newsrnd

Cả nước tiết kiệm hơn nửa tỉ đồng sau 1 giờ tắt đèn Giờ Trái đất

Ngày 26/3, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết năm 2023 là năm thứ 15 Việt Nam tham gia hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất tại Việt Nam do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam và Bộ Công Thương đồng chủ trì.

Theo thông tin từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, sau 1 giờ tắt đèn hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2023 (từ 20 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút, ngày 25/3/2023), cả nước đã tiết kiệm được sản lượng điện là 298.000 kWh (tương đương số tiền khoảng 555,6 triệu đồng).

Theo Bộ Công Thương, thông điệp của Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023 là "Tiết kiệm điện - Thành thói quen". Đây cũng là thông điệp của Chương trình tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025 nhằm thực hiện Chỉ thị 20 về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025 của Thủ tướng Chính phủ.

EU tranh cãi về năng lượng hạt nhân

Trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU), lãnh đạo các nước EU nhất trí đẩy nhanh cải cách thị trường điện của khối nhằm ngăn chặn giá năng lượng tăng nhanh như năm ngoái.

Tại hội nghị này, vấn đề gây tranh cãi là việc vai trò của năng lượng hạt nhân trong quá trình khử carbon của nền kinh tế. Pháp muốn phát triển năng lượng hạt nhân để góp phần hướng tới một nền kinh tế phi carbon. Tuy nhiên, các quốc gia như Đan Mạch, Đức và Tây Ban Nha đã phản đối, họ cho rằng việc đưa năng lượng hạt nhân vào luật pháp sẽ làm suy yếu các nỗ lực phát triển các nguồn năng lượng có khả năng tái tạo như năng lượng gió và mặt trời.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho rằng, năng lượng hạt nhân có thể góp phần vào nỗ lực giảm các khí thải CO2. Theo bà Ursula von der Leyen, những công nghệ không phát khí thải CO2 này được xem là chiến lược trong tương lai như tấm pin mặt trời, cũng như các loại pin khác, sẽ được hưởng ưu đãi và hỗ trợ đầy đủ của các nước EU.

Châu Phi có thể trở thành nhà cung cấp hydro xanh chính cho châu Âu

Trong một báo cáo vừa công bố, hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy (Na Uy) nhận định châu Phi có thể trở thành nhà cung cấp hydro xanh chủ chốt cho châu Âu, trong bối cảnh châu lục này đang tìm cách đa dạng hóa cơ cấu năng lượng của mình sau khi quyết định giảm phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga.

Báo cáo của Rystad Energy cho biết, đến nay đã có hơn 52 dự án hydro xanh được công bố ở châu Phi, với tổng sản lượng dự kiến đạt 7,2 triệu tấn vào cuối năm 2035. Hầu hết các dự án này sẽ sản xuất amoniac như một sản phẩm cuối cùng để xuất khẩu sang châu Âu.

Nhà phân tích công nghệ sạch Rajeev Pandey tại Rystad Energy cho rằng nền kinh tế hydro xanh toàn cầu đang bắt đầu hình thành, với châu Phi và châu Âu đang trở thành các động lực sản xuất và tiêu thụ, Chuyên gia này nhận xét, tiềm năng của lĩnh vực năng lượng tái tạo của châu Phi kết hợp với các mục tiêu sản xuất và nhập khẩu của châu Âu sẽ "không chỉ làm thay đổi dòng năng lượng, mà còn tạo ra chúng một lần nữa".

Châu Phi cần điện nhưng chưa thể tận dụng năng lượng tái tạo

Các thành phố rộng lớn ở châu Phi có nguồn cung cấp điện thất thường, còn đa phần vùng nông thôn hoàn toàn không có điện. Năm 2021, khoảng 600 triệu dân châu Phi không được tiếp cận nguồn điện, gồm 590 triệu người ở vùng cận Sahara, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính mỗi năm cần đầu tư gần 20 tỉ USD để toàn vùng châu Phi cận Sahara có điện.

Trong 2 năm qua, liên minh Đối tác Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) đã giúp các nước nghèo hơn chuyển đổi từ nhà máy điện chạy bằng than gây ô nhiễm cao sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và thân thiện môi trường, với nguồn kinh phí giúp đỡ của Pháp, Đức, Anh, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Khi các đại biểu tập trung tại Cape Town trong tháng này để thảo luận về những thách thức năng lượng của châu Phi, đã có một ý kiến ​​vang dội rằng tình trạng thiếu điện kéo dài trên lục địa này phải được giải quyết khẩn cấp. Có một số hy vọng rằng “chuyển đổi năng lượng chính đáng” do phương Tây tài trợ sẽ tạo ra một số cơ hội, nhưng nhiều người chỉ trích các nỗ lực JETP giúp châu Phi nhanh chóng chuyển từ than sang các nguồn năng lượng sạch hơn.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 24/3/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 24/3/2023
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 25/3/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 25/3/2023

H.T (t/h)

DMCA.com Protection Status