Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 5/10/2022

20:00 | 05/10/2022

8,492 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Bộ Công Thương đề xuất 2 phương án điều chỉnh giá điện; Nga và Saudi Arabia tính cắt giảm mạnh sản lượng để nâng giá dầu; EU đạt thỏa thuận áp giá trần đối với dầu mỏ Nga… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 5/10/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 5/10/2022
Saudi Arabia và Nga đang cân nhắc giảm sản lượng dầu ở mức ít nhất từ 1-2 triệu thùng/ngày để nâng giá dầu. Ảnh: Bloomberg

Bộ Công Thương đề xuất 2 phương án điều chỉnh giá điện

Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi 14 cơ quan thuộc Quốc hội cùng một loạt các bộ ngành và 63 địa phương lấy ý kiến về việc thay đổi biểu giá bán lẻ điện mới. Trên cơ sở ý kiến của đơn vị tư vấn, Bộ Công Thương đề nghị các Bộ, ngành và địa phương xem xét cho ý kiến về 2 phương án biểu giá điện sinh hoạt 5 bậc và 4 bậc.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 5/10/2022

Trong phương án biểu giá điện 5 bậc, Bộ Công Thương muốn giữ nguyên giá điện hiện hành cho bậc đầu từ 0-100 kWh, 101-200 kWh và 201-300 kWh nhằm đảm bảo ổn định giá điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện thấp. Giá điện cho các bậc từ 401-700 kWh và từ 700 kWh trở lên được thiết kế nhằm bù trừ doanh thu cho các bậc thấp.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 5/10/2022

Đối với phương án biểu giá điện 4 bậc, Bộ Công Thương muốn giữ nguyên giá điện hiện hành cho bậc đầu từ 0-100 kWh. Phần chênh lệch giảm doanh thu tiền điện được bù đắp từ hộ sử dụng điện từ 100-200 kWh; 301-400 kWh và trên 700kWh. Giá điện cho các bậc từ 101-700 kWh và từ 700 kWh trở lên được thiết kế nhằm bù trừ doanh thu cho các bậc thấp.

Nga và Saudi Arabia tính cắt giảm mạnh sản lượng để nâng giá dầu

Cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đối tác (OPEC+) diễn ra hôm nay (5/10) tại Vienna (Áo), đây là là cuộc họp trực tiếp đầu tiên của OPEC+ kể từ khi các biện pháp hạn chế về Covid-19 được áp đặt hồi năm 2020. Cuộc họp sẽ gồm 13 nước thành viên của OPEC do Arab Saudi dẫn đầu và 10 thành viên đồng minh do Nga đứng đầu.

Theo nhiều nguồn tin, các nước thành viên thuộc OPEC+ đã bắt đầu thảo luận về vấn đề cắt giảm sản lượng, dự kiến được đưa ra đàm phán tại hội nghị sắp tới do lo ngại tình trạng suy thoái kinh tế sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu dầu mỏ.

Dù khối lượng cắt giảm dự kiến vẫn chưa rõ ràng, một vài nguồn thạo tin cho biết Saudi Arabia và Nga đang cân nhắc giảm sản lượng dầu ở mức ít nhất từ 1-2 triệu thùng/ngày. Việc giảm sản lượng sẽ không diễn ra ngay trong một lần mà mức giảm sẽ tăng dần qua các tháng. Nếu được thông qua, đây sẽ là mức cắt giảm sản lượng mạnh nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào cuối năm 2019.

EU đạt thỏa thuận áp giá trần đối với dầu mỏ Nga

Politico ngày 4/10 đưa tin, EU đã đạt một thỏa thuận dự kiến áp giá trần đối với việc bán dầu mỏ của Nga cho các nước thứ 3. Theo quy định, tàu vận tải của các nước thành viên EU sẽ từ chối vận chuyển dầu Nga nếu mức giá vượt giá trần. Mức giá cụ thể sẽ được công bố trong vòng trừng phạt thứ 8.

Ba thành viên khu vực Địa Trung Hải là Cộng hòa Síp, Hy Lạp và Malta đã lo ngại về tác động của biện pháp này đối với giao thương hàng hải của họ, nhưng Brussels đã đưa ra một số nhượng bộ dưới hình thức hệ thống giám sát nhằm cung cấp các biện pháp giảm thiểu tác động của lệnh trừng phạt.

Hồi đầu tháng 9, Nga cảnh báo kế hoạch áp giá trần đối với xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga sẽ thất bại và chỉ đưa đến sự bất ổn tại Mỹ và các đồng minh. Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố phương Tây không hiểu rằng các biện pháp này cuối cùng sẽ tác động đến chính đất nước của họ.

Mỹ đề nghị OPEC+ không cắt giảm sản lượng dầu

Ngày 4/10, một nguồn thạo tin cho biết Mỹ đã đề nghị Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đối tác (OPEC+) không tiếp tục cắt giảm mạnh sản lượng, trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang tìm cách chặn đà tăng giá xăng dầu trong nước.

Theo nguồn tin trên, Washington đã nêu rõ với các quốc gia OPEC+ rằng các yếu tố cơ bản của kinh tế cho thấy hiện chưa phải là thời điểm phù hợp để cắt giảm sản lượng dầu mỏ.

OPEC+, trong đó có Saudi Arabia và Nga, đang xem xét giảm sản lượng dầu ở mức từ 1 triệu đến 2 triệu thùng/ngày tại cuộc họp ở Vienna (Áo) trong ngày 5/10. Nếu được thông qua, đây sẽ là mức cắt giảm sản lượng mạnh nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát năm 2019 khiến giá dầu thô sụt giảm. Việc OPEC+ giảm sản lượng được cho là có thể giúp giá dầu phục hồi.

Saudi Aramco: Công suất dự phòng của các nhà sản xuất dầu mỏ hiện rất thấp

Giám đốc điều hành (CEO) tập đoàn năng lượng khổng lồ Saudi Aramco của Saudi Arabia, ông Amin Nasser ngày 4/10 cảnh báo các thị trường toàn cầu cần phải chấp nhận thực tế rằng công suất dự phòng của các nhà sản xuất dầu mỏ hiện nay là rất thấp, chỉ ở mức 1,5% nhu cầu toàn cầu.

Ông Amin Nasser còn nói thêm rằng mức này thế giới nên lo lắng, bởi nếu Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế chống dịch Covid-19, công suất dự phòng sẽ cạn kiệt hoàn toàn.

Ông Nasser cũng lưu ý rằng Saudi Aramco đang triển khai kế hoạch tăng công suất sản xuất từ 12 triệu thùng/ngày hiện nay lên 13 triệu thùng/ngày vào năm 2027, với nguồn kinh phí lên tới nhiều tỷ USD. Saudi Aramco cũng có kế hoạch duy trì các thị trường châu Á, bất chấp nhu cầu ngày gia tăng tại thị trường châu Âu.

Nga khôi phục khí đốt đến Italia

Nhà sản xuất khí đốt Nga Gazprom hôm 5/10 tuyên bố “cùng với người mua Italia đã tìm ra giải pháp” để khôi phục xuất khẩu khí đốt, trong bối cảnh những thay đổi về quy định ở Áo vào cuối tháng 9 khiến dòng chảy khí đốt từ Nga đi qua Áo sang Italia phải tạm dừng. Gazprom cho biết, nhà điều hành tại Áo đã sẵn sàng duyệt các phương án vận chuyển của Gazprom Export để công ty tiếp tục cung cấp khí đốt Nga qua Áo.

Trước đó, Gazprom thông báo tạm dừng cung cấp khí đốt tự nhiên cho Italia sau khi không nhận được sự cho phép của Áo với dòng chảy đi qua nước này. Các nhà chức trách Áo cho biết Gazprom đã không ký thay đổi hợp đồng cung ứng theo yêu cầu, đối với điều chỉnh quy định được thực hiện hàng năm, dù đã biết trong nhiều tháng.

Dòng khí đốt của Italia vượt nhu cầu của các hộ gia đình và doanh nghiệp, giúp nước này lấp đầy các bể chứa khí đốt trước mùa đông tới 90%, và xuất khẩu khí đốt dư thừa sang nhiều quốc gia châu Âu khác. Tuy nhiên, giá khí đốt cao trong bối cảnh châu Âu có nhu cầu cao và cần thay thế khí đốt của Nga đang đặt ra gánh nặng kinh tế nặng nề cho Italia và các nước EU khác.

Pháp tuyên bố kho dự trữ khí tự nhiên cho mùa đông đã đầy

Ủy ban Điều tiết năng lượng (CRE) của Pháp ngày 5/10 ra tuyên bố cho biết kho dự trữ khí tự nhiên của nước này đã đầy, đồng thời cảnh báo người tiêu dùng vẫn nên giảm sử dụng năng lượng khi châu Âu chuẩn bị đón một mùa Đông không có khí đốt nhập khẩu từ Nga.

Tuyên bố của CRE nêu rõ: “Chương trình đổ đầy kho dự trữ khí đốt cho mùa Đông 2022-23 đã hoàn tất, mức dự trữ hiện là hơn 99%”.

Pháp đã trở thành nước thứ ba trong Liên minh châu Âu (EU), sau Bỉ và Bồ Đào Nha, tối ưu hóa kho dự trữ khí tự nhiên, trước thời điểm hạn chót mà chính phủ đặt ra là tháng 11 tới.

Đức thất bại trong phép thử tiết kiệm năng lượng đầu tiên

Dữ liệu của Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức cho thấy mức tiêu thụ khí đốt của người tiêu dùng nước này trong tuần cuối cùng của tháng 9 cao hơn mức bình quân trong 5 năm trở lại đây. Cụ thể, từ ngày 19 đến ngày 25/9, các gia đình và doanh nghiệp nhỏ tại nước này đã nâng mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên lên 14,5% so với mức trung bình trong 5 năm.

Lĩnh vực tư nhân chiếm khoảng 40% lượng tiêu thụ khí đốt ở Đức, chủ yếu sử dụng khí đốt để sưởi ấm. Sự gia tăng này trùng với đợt lạnh đầu tiên trong năm nay, khi nhiệt độ ở vùng Tây Bắc Âu giảm xuống dưới mức trung bình trong 30 năm. Tuy nhiên, theo cơ quan quản lý, người Đức cần phải giảm mức tiêu thụ ít nhất 20% để tránh tình trạng thiếu khí đốt trong những tháng tới.

“Lượng khí đốt tiêu thụ của các gia đình và doanh nghiệp trong tuần qua cao hơn hẳn mức tiêu thụ bình quân của các năm trước. Số liệu này cần được xem xét một cách nghiêm túc. Nếu không tiết kiệm, chúng ta sẽ khó tránh khỏi tình trạng thiếu khí đốt trong mùa Đông”, Klaus Muller, người đứng đầu Cơ quan Mạng lưới Liên bang, cảnh báo.

Nhà điều hành Nord Stream lên tiếng vụ các đường ống bị rò rỉ

Công ty Nord Stream 2 AG, nhà điều hành đường ống Nord Stream 2 cho biết ngày 4/10 rằng công ty sẽ bắt đầu kiểm tra tình trạng rò rỉ của đường ống sau khi “cảnh sát hoàn tất điều tra tại hiện trường” và việc hạn chế tiếp cận tại khu vực này được dỡ bỏ. Công ty này cho biết đang “hợp tác với tất cả các cơ quan có liên quan”.

Cuối ngày 4/10, Công ty Nord Stream AG, nhà điều hành đường ống Nord Stream 1 cũng cho biết chính quyền Đan Mạch thông báo với họ rằng có thể phải mất hơn 20 ngày để được cấp phép tiếp cận khu vực rò rỉ.

Nord Stream AG viết trong thông cáo báo chí: “Theo giới chức Thụy Điển, lệnh cấm vận chuyển, thả neo, lặn, sử dụng các phương tiện dưới nước, lập bản đồ địa vật lý... đã được đưa ra trong cuộc điều tra cấp nhà nước về các điểm rò rì của đường ống ở Biển Baltic”. Công ty cũng cho biết thêm, áp suất trong đường ống đã ổn định vào ngày 3/10.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 4/10/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 4/10/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 3/10/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 3/10/2022

T.H

DMCA.com Protection Status