Nhớ về tết "dầu khí" ở Algeria

18:35 | 29/01/2014

1,200 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Không có ngày nghỉ lễ, không rộn ràng tết nhất, nhưng những cái tết của người đi tìm lửa tại Algeria lại là những cái tết khiến ai đã từng trải qua sẽ không khỏi xúc động. Bởi nỗi nhớ nhà đã thay bằng tình đồng đội, cái tình mà chỉ những người ở bên nhau, cách xa đất nước và người thân mới thấm thía giá trị của tình bạn.

Trong ký ức của Nguyễn Quang Hùng, Phó chánh Văn phòng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, từng đã có ít nhất 3 cái tết xa quê trong những năm 2003-2008 (khi đó anh phụ trách hành chính của Văn phòng PIDC tại Algeria) thì cái tết anh nhớ nhất là năm 2004, tết đầu tiên xa nhà: “Không khí tết của những người xa quê chúng tôi lại được dài hơn ở nhà, bởi vì thời kỳ đó khi mới sang, chúng tôi biết sẽ ở lại ít nhất 1 năm sau mới được về phép. Nhưng sau 3 tháng visa hết hạn, những anh em về đợt đầu tiên sẽ ở nhà 10 ngày để làm thủ tục gia hạn visa và anh em sẽ phải “gánh” trách nhiệm chuẩn bị hàng tết để mang sang cho anh em đón tết. Mỗi người một việc, người chuẩn bị bánh chưng, người chuẩn bị dưa hành, người lo thịt lợn. Theo phong tục của người Hồi giáo họ không ăn thịt lợn nên việc này rất khó. Người chuẩn bị măng, miến, bánh đa nem và hương nến. Việc chuẩn bị này phải trước tết đến gần 2 tháng vì người này sang mà quên gì lại gọi về cho người sang sau lo tiếp”. Tết năm 2004 ở Algeria chỉ có anh Nguyễn Quốc Thập khi đó đang là Phó tổng giám đốc PIDC kiêm Trưởng ban Dự án Chi nhánh PIDC Algeria, Nguyễn Quang Hùng và vài cán bộ nữa.

Đoàn cán bộ của PVEP đón xuân Mậu Tý 2008 tại Algeria

Thời kỳ đầu, vẫn còn trong giai đoạn triển khai nên mọi người vẫn được nghỉ tết 3 ngày như ở nhà. Một điều đặc biệt, do múi giờ của Việt Nam và Algeria chênh nhau 6 tiếng nên thời điểm giao thừa ở Việt Nam vào 18 giờ. Chính vì thế, anh em đón giao thừa khi trời vẫn nắng. Chiều 30 tết, anh em trực tết sẽ cùng anh đầu bếp chuẩn bị mâm cơm cúng giao thừa. Cũng đầy đủ đồ lễ như ở nhà và một điều thú vị nhất là cũng có cành đào. Hoa đào ở Algeria là đào rừng. Thi thoảng có năm nở đúng dịp tết của Việt Nam. Nhưng để đi kiếm được đào về là vô cùng khó khăn. Bởi trong tình hình bạo động xảy ra liên miên. Người nước ngoài ra đường cũng phải có người hộ tống và không được mang dao ra đường, vì nếu cảnh sát phát hiện sẽ bị bắt. May mắn là anh đầu bếp thời bấy giờ lại là Việt kiều tại Algeria. Anh đã vào rừng và xin người dân địa phương được cành đào mang về trụ sở chơi tết.

Toàn đàn ông, việc bếp núc chẳng ai quen, nhưng khi bắt tay vào ai cũng háo hức. Người cuộn nem, người làm gà... Đến thời khắc giao thừa... sau khi thắp hương mỗi người lại vào một góc gọi điện thoại về cho người thân... Ai cũng rưng rưng nước mắt. Cảm xúc lúc đấy thật khó tả. Có những người chẳng dám nói gì nhiều vì sợ người ở nhà cũng khóc như mình trong ngày đầu năm mới thì lại không vui.

Giàn PVD-11 trên sa mạc Sahara

Anh Trịnh Viết Thắng, kỹ sư khoan có một cái tết mà không thể nào quên. Đó là tết năm 2005. Anh kể, thời điểm đón tết, anh và anh Việt kỹ sư khoan của PIDC đang làm việc trên sa mạc Sahara. Đáng lẽ anh sẽ được đổi ca về thủ đô Algiers để đón tết với mọi người. Nhưng do bão cát, người thay ca cho anh không thể đến được để đổi ca. Ở giàn khoan làm việc 24/24. Mỗi ca 12 tiếng đổi ca 2 lần vào 6 giờ sáng và 18 giờ hằng ngày. Thời gian đó công nghệ thông tin chưa phát triển, không có điện thoại di động, không Internet, ngoài một chiếc bộ đàm. Anh còn nhớ, 18 giờ vào ca trực, anh và anh Việt đón giao thừa, hai anh em đã mang lon Coca-Cola ra để cụng ly chúc mừng năm mới. Hồi đó anh còn trẻ, chưa có gia đình nên việc xa quê và nhớ nhà cũng chỉ hơi chạnh lòng, hơn nữa anh đã có thời gian xa nhà làm việc nhiều năm tại Singapore nên quen rồi. Nhưng anh Việt đã có vợ con, dùng máy bộ đàm để gọi về nước và lần đầu tiên anh thất vọng khi sóng quá yếu và không thể gọi về cho vợ con được. Nước mắt anh Việt trào ra. Phòng ăn trống rỗng chỉ có hai anh em. Chưa bao giờ Thắng thấy người đồng nghiệp của mình buồn như vậy. Đó là hình ảnh mà Thắng không bao giờ quên. Một cái tết không gia đình, không các món ăn cổ truyền, không có bạn bè để hàn huyên. Sau giây phút đó, hai anh em lại trở về với công việc...

Đỗ Anh Tuấn - Phụ trách mảng An toàn cho dự án tại Algeria từ năm 2006 thì không thể quên được phút giao thừa năm 2007 khi gọi về cho vợ. Năm ấy sau khi nhóm khủng bố Al-Qaeda chính thức tuyên bố trở thành chi nhánh của mạng lưới khủng bố toàn cầu thì Algeria lại bùng phát làn sóng bạo lực khủng bố mới với những vụ đánh bom liên miên. Anh vẫn còn nhớ bức thư mà vợ anh gửi vào trước đêm giao thừa: “Tết nhà mới không có anh!”. Đêm giao thừa anh đã không dám gọi điện về cho vợ, vì biết rằng, khi hai con đi chơi, một mình chị lặng lẽ trong ngôi nhà mới đón cái tết thứ hai không có anh, chị sẽ không cầm được nước mắt. Anh sợ phải nghe thấy lời nói nghẹn ngào qua điện thoại vào khoảnh khắc thiêng liêng đó!

Còn Trần Quang Hải, Trưởng phòng Tổ chức hành chính, Chủ tịch Công đoàn bộ phận tại Algeria từ năm 2008-2013 kể lại: “Bắt đầu từ năm 2009, sau khi thành lập công ty liên doanh thì cái tết cổ truyền của những người làm dầu khí chỉ vỏn vẹn trong 12 tiếng. Vì vậy, lãnh đạo và công đoàn đều tạo điều kiện cho anh em được về Việt Nam ăn tết. Những người chưa có gia đình, vợ con và mới sang đều nhường suất về nhà cho những người đã công tác lâu năm, xuất phát từ tình cảm của anh em, của những đồng đội cảm thông cho nhau.

Tết trên sa mạc sẽ không thể trọn vẹn nhưng chúng tôi vẫn yên lòng khi biết rằng, tất cả những người thân của chúng tôi sẽ cùng có mặt đông đủ tại buổi tiệc tất niên do Ban Chấp hành Công đoàn công ty tổ chức đã thành thông lệ hằng năm. Càng ấm lòng hơn nữa khi biết chắc rằng gia đình các cán bộ trực tết đều nhận được sự quan tâm, động viên, thăm hỏi của ban lãnh đạo và Công đoàn PVEP. Cũng có lì xì và những món quà tết dành riêng cho những người ở lại. Nhưng có lẽ hơn hết đó là tình cảm của đồng nghiệp, đồng chí nơi đất khách quê người”.

Diệu Thuần
 

DMCA.com Protection Status