Những giáo viên thế hệ 7X, 8X

07:00 | 14/12/2012

770 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Dù họ học ở trong hay ngoài nước, dù ước mơ ban đầu có hay không theo nghề giáo nhưng khi về Trường cao đẳng Nghề Dầu khí (PVMTC) công tác, sau một thời gian, thì niềm đam mê nghề trong mỗi người đều bùng cháy. Đó là giáo viên Nguyễn Huỳnh Đông ở Khoa Dầu khí, Nguyễn Ngọc Thanh Trung ở Khoa An toàn - Môi trường, Đặng Thế Anh ở Phòng Đào tạo và bông hoa duy nhất Nguyễn Thị Lan ở Khoa Điện - Tự động hóa; tất cả đều gắn bó với Trường PVMTC trong bao năm qua với ước vọng và sống hết mình với sự lựa chọn của mình.

Niềm đam mê an toàn - môi trường

Anh là người lớn tuổi nhất (sinh năm 1975) trong 4 giáo viên thuộc thế hệ 7X, 8X mà chúng tôi gặp tại Trường PVMTC. Bề dày thành tích của anh thật đáng nể, chỉ trong 3 năm từ 2009 đến 2011 mà anh đã trực tiếp tham gia giảng dạy trên 400 khóa học về an toàn với trên 4.500 lượt học viên. Thành tích nổi bật nhất trong hoạt động chuyên môn của Thanh Trung là giải Nhất giáo viên dạy nghề cấp toàn quốc năm 2009.

Kỹ sư Nguyễn Ngọc Thanh Trung, Khoa An toàn - Môi trường

Anh yêu nghề, say mê nghề, sống hết mình với nghề. Vì thế anh không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức và đã biên soạn 5 giáo trình đào tạo an toàn, đồng thời trực tiếp dịch thuật trên 25 tài liệu nước ngoài sang tiếng Việt để phục vụ cho công tác đào tạo - nghiên cứu của đội ngũ giáo viên Khoa An toàn - Môi trường.

Không chỉ dạy giỏi, tay nghề giỏi mà giáo viên Thanh Trung còn là một người rất gương mẫu trong các phong trào “xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động” của trường. Hàng năm, anh trực tiếp tham gia đào tạo hơn 200 lượt cán bộ, công nhân viên (CBCNV) trong nhà trường về an toàn - vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ.

“Giờ mọi thứ thuận lợi hơn chứ những năm đầu dạy ngành này, giáo viên gặp không ít khó khăn do nguồn thông tin ít, nên anh phải liên tục đi học các khóa ngắn hạn tại Anh, Australia, Malaysia về an toàn - môi trường. Mà quá trình đào tạo liên tục giúp giáo viên tăng thêm lý thuyết lẫn kỹ năng thực hành về ứng dụng trong hoàn cảnh giảng dạy ở Việt Nam. Vì an toàn là một trong những tiêu chí thi đua trong hoạt động sản xuất của toàn Tập đoàn nên nó luôn gắn chặt với hoạt động của các công ty, xí nghiệp” - anh Trung cho biết.

Duyên nghiệp với nghề thầy giáo

Sau khi nhận bằng Tiến sĩ Trường đại học Paris VI ở Pháp, năm 2002 về nước, Nguyễn Huỳnh Đông có duyên gặp ông Lê Minh Hồng và thầy Vũ Duy Hảo. Anh cho đó là cái duyên để mình gắn bó với trường và gắn bó đến bây giờ. Càng dạy anh thấy càng say mê và càng yêu sự lựa chọn của mình. Trong khi tất cả bạn bè tốt nghiệp cùng khóa đi làm ở các doanh nghiệp thì anh là người duy nhất theo nghề giáo. Vừa đảm nhiệm công tác Phó trưởng khoa Hóa dầu, vừa là Bí thư đoàn nhưng tất cả anh đều diễn tròn vai

TS Nguyễn Huỳnh Đông, Khoa Dầu khí

Anh Đông cho rằng, cơ sở vật chất của PVMTC có nhiều khác biệt so với các trường nghề khác, là hệ thống máy móc và phòng thực hành rất hiện đại nên đòi hỏi giáo viên cũng phải có năng lực để sử dụng và vận hành nó. Do đó, giáo viên các khoa trong trường phải bổ sung kiến thức liên tục bằng nhiều cách khác nhau. Đồng thời, nhà trường đang hướng đến xây dựng thành trường chuẩn quốc gia, khu vực và quốc tế nên đòi hỏi giáo viên trong trường phải nâng cao trình độ liên tục, cả lý thuyết, thực hành, kỹ năng giảng dạy và tiếng Anh để đáp ứng nhu cầu hội nhập trong thời kỳ mới.

Càng dạy càng yêu nghề

Còn Nguyễn Thế Anh thì tốt nghiệp Trường đại học Tổng hợp kỹ thuật dầu khí Upha - Liên bang Nga năm 2004, rồi về trường công tác. Sau đó, Thế Anh vừa công tác vừa tiếp tục học lên và năm 2007, anh nhận bằng Thạc sĩ Công nghệ cơ khí Trường đại học Bách Khoa Hà Nội.

Th.S Đặng Thế Anh, Phòng Đào tạo

Hiện nay, vừa là giảng viên Khoa Cơ khí, vừa tham gia công tác quản lý đào tạo tại Phòng Đào tạo, có thể nói anh rất bận rộn nhưng niềm vui đong đầy khi làm việc đúng chuyên môn trong môi trường thuận lợi. Thế Anh từng tham gia giảng dạy chuyên môn cho kỹ sư, công nhân của các dự án Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; tham gia biên soạn giáo trình chuyên ngành ăn mòn kim loại; tham gia xây dựng chương trình khung, chương trình đào tạo các nghề tại PVMTC; tham gia biên dịch sách chuyên ngành phục vụ cho công tác giảng dạy.

Anh là giáo viên nhiều năm liền đạt giáo viên giỏi cấp trường, đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm 2008. Ngoài ra, Thế Anh còn tham gia thiết kế và biên soạn quy trình ISO áp dụng cho lĩnh vực quản lý đào tạo. Bận rộn là thế nhưng Thế Anh cũng thường xuyên tham gia hoạt động đoàn thanh niên rất sôi nổi, có nhiệt huyết và nhiều năm liền là cán bộ đoàn xuất sắc. Hiện nay anh là Bí thư Chi đoàn đào tạo, Ủy viên BCH đoàn trường.

Giáo viên Thế Anh chân thành chia sẻ khi tôi hỏi về điều lôi cuốn anh ở mái trường này? Anh nói rằng, làm việc trong môi trường sư phạm giúp mình tự tin hơn rất nhiều, mà Trường PVMTC có đặc thù là học viên rất đa dạng với nhiều lứa tuổi khác nhau, có người đáng tuổi anh, tuổi chú của mình nên khi mới lên lớp hơi run. Tuy nhiên, chính vì vậy đòi hỏi giảng viên phải chuẩn bị giáo trình thật chu đáo, gặp học viên không dạy ngay mà phải trao đổi với các anh, các chú đang làm gì và làm ở đâu thật thân thiện, cởi mở rồi mới bắt đầu bài giảng. Chính điều đó giúp cho quá trình giảng dạy - trao đổi giữa giáo viên và học viên thân thiện, cởi mở và học tập hiệu quả hơn.

Bông hoa duy nhất

Đang là sinh viên năm thứ nhất Khoa Toán, Đại học Sư phạm TP HCM, Nguyễn Thị Lan được suất học bổng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đi học tại Trường ĐH Xây dựng tại Simpheropol (Ukrainie) ngành hệ thống điều khiển và tự động. “Sinh viên nữ theo học ngành kỹ thuật đã hiếm, mà ngành hệ thống điều khiển và tự động càng hiếm hơn, trong lớp chỉ có 4 sinh viên nữ” - chị Lan cho biết.

Th.S Nguyễn Thị Lan, Khoa điện - Tự động hóa

Còn duyên đến với nghề giáo thì có lẽ xuất phát từ truyền thống gia đình, ba chị từng dạy Trường cao đẳng Nghề Dầu khí thời nhà trường được Chính phủ Na Uy tài trợ, thấy các chuyên gia nước ngoài đến giảng dạy chị rất ngưỡng mộ và cũng mong ước một ngày mình được đứng trên bục giảng.

Và ước mơ của chị Lan đã thành hiện thực sau khi học xong cao học ngành hệ thống điều khiển và tự động thì về trường công tác giảng dạy. Buổi đầu tiên lên lớp toàn là học viên nam, lúc đó cô giáo Lan mới 24 tuổi với nhiều bỡ ngỡ. Không chỉ cô giáo bỡ ngỡ mà học viên cũng bỡ ngỡ vì mọi người cứ đoán chắc rằng, người đứng lớp là thầy chứ đâu ngờ là cô giáo xinh tươi, trẻ đẹp. Thú vị hơn là khi chị tham gia khóa huấn luyện về hệ thống DCS CENTUM 3000 và Foudation Fielbus của Yokogawa tại Nhật Bản năm 2005 thì chị là nữ duy nhất và có lẽ đẹp nhất khóa.

Giờ đây, sau bao nhiêu năm giảng dạy, chị không ngừng bổ sung kiến thức về ngành vì chị cho rằng, kiến thức ngành Dầu khí thay đổi từng ngày, trang thiết bị luôn luôn thay đổi nên năm nào giáo viên cũng phải đi học và điều thú vị nhất đối với chị là khóa học nào cũng chỉ có duy nhất chị là nữ.

Tôi bắt gặp ở họ niềm tự hào rất lớn khi nói về trường, về môi trường mình đang làm việc. Về sự chân thành, thân thiện, cởi mở của môi trường sư phạm và có cả kỷ luật, quy củ, hiệu quả thiết thực trong một doanh nghiệp chịu nhiều áp lực cạnh tranh. Trường PVMTC đang hướng tới xây dựng thành trường chuẩn quốc gia, khu vực và quốc tế và chúng ta tin tưởng rằng, những giáo viên thế hệ 7X, 8X như anh Đông, anh Trung, Thế Anh và chị Lan cùng rất nhiều giáo viên trẻ khác ở Trường PVMTC sẽ là những người góp phần thực hiện thành công những mục tiêu trong tương lai.

Thiên Thanh

 

 

DMCA.com Protection Status