Những “giọt dầu chảy lên” Tây Bắc (Kỳ 2)

07:17 | 26/01/2016

1,286 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Nhân chuyến đi này, chúng tôi xin giới thiệu lại với bạn đọc trích đoạn bút ký “Nơi ngã ba biên giới” của nhà văn Nguyễn Như Phong, in trên Báo Công an Nhân dân tháng 4-1984. Ngày ấy, ông đã có một chuyến hành trình hoàn toàn là cuốc bộ, trên chặng đường cả đi và về là gần 500km…
nhung giot dau chay len tay bac tiep theo va het Những “giọt dầu chảy lên” Tây Bắc

 Đọc đoạn bút ký này, bạn đọc sẽ thêm hiểu về vùng ngã ba biên giới.

nhung giot dau chay len tay bac tiep theo va het
Đoàn công tác từ thiện Báo Năng lượng Mới chụp ảnh lưu niệm tại Cột mốc số 0 - ngã ba biên giới Việt - Lào - Trung

“Tôi lên công tác ở tỉnh Lai Châu và chẳng hiểu sao, tôi cứ bị cái góc bản đồ ở nơi ngã ba biên giới hút mất hồn. Tôi nói với đồng chí Nguyễn Trọng Tháp, Giám đốc Công an tỉnh về ý định của mình là sẽ đến xã Sín Thầu, xã ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào. Nghe tôi nói xong, ông nhìn tôi từ đầu đến chân như thể nhìn thằng trên trời rơi xuống. Rồi ông thong thả nói: “Đồng chí có tinh thần như thế là tốt, nhưng đường sá xa xôi lắm, không đi được đâu. Ở công an tỉnh, số người đến được Sín Thầu cũng đếm không hết mười ngón tay. Vài ngày nữa có xe vào Mường Tè, đồng chí cứ đi và nếu thích thì đi vài xã quanh huyện. Còn Sín Thầu… không được”.

Nghe ông nói vậy, trong tôi càng nung nấu ý chí phải đi đến được Sín Thầu. Và hai ngày sau, tôi theo xe chở hàng của Công ty Vận tải Lai Châu vào Mường Tè.

Làm việc tại huyện được một tuần, tôi đề nghị với anh Ma Văn Học, Trưởng Công an huyện là cho tôi đi Sín Thầu. Anh Học cũng hết lời khuyên tôi không nên đi. Nhưng không hiểu sao, anh càng ngăn thì tôi càng quyết tâm. Một số anh em công an huyện cũng ủng hộ ý muốn của tôi. Cái lý của anh em rất đơn giản: Người ta đi được, mình cũng đi được.

Ngăn không được, anh Học đành đồng ý nhưng lại đánh điện ra tỉnh báo cáo Giám đốc. Ngày hôm sau, có điện của đồng chí Tháp trả lời là đồng ý cho đi nhưng cử 5 công an huyện đi cùng, có một con ngựa để thồ balô và mang theo một máy bộ đàm 15W. Đồng chí sợ dọc đường nhỡ có ốm đau, tai nạn thì còn gọi ra huyện và đến nước ấy, chỉ có mỗi cách xin trực thăng vào mà cứu. Biết là Giám đốc rất lo cho tôi, nhưng nói thật đi công tác mà như vậy quả là không được. Tôi kiên quyết từ chối và chỉ xin huyện cho hai anh thuộc địa bàn dẫn đường. Công an huyện cử Pa Ven, người dân tộc Si La và Cha Sồ, người dân tộc Mảng đi cùng tôi.

Cái tin tôi đi Sín Thầu lan nhanh khắp huyện. Chủ tịch huyện Vàng Văn Phương đem đến cho tôi một lạng cao hổ cốt, trạm kiểm lâm cho hai lạng tam thất và miếng cao gấu to bằng bao thuốc lá; bệnh viện huyện cho thuốc kháng sinh và hai trăm viên APC. Anh em bảo rằng đem thuốc đi, đến bản người Mông thì đổi lấy gà, vịt mà ăn…

nhung giot dau chay len tay bac tiep theo va het
Thành viên trong đoàn tại Cột mốc số 0

Chúng tôi khởi hành vào lúc đầu giờ chiều. Kế hoạch đi là đến bản Pô Lếch nghỉ lại, sáng hôm sau leo dốc Tà Tổng sớm.

Đến Sín Thầu có thể đi bằng hai đường. Đường thứ nhất là theo hướng tây, qua các xã Tà Tổng, Nậm Vì, Mường Nhé, Chung Chải, Leng Su Sìn. Đường thứ hai là ngược dòng sông Đà, đến Pắc Ma rồi rẽ trái, qua các xã Mù Cả, Gò Cứ, bản Sen Thượng thuộc xã Leng Su Sìn… Đường nào thì cũng có độ dài ngang nhau là khoảng trên dưới 220km và có nỗi cơ cực riêng. Sau khi bàn với anh em công an huyện, tôi quyết định đi theo tuyến đường thứ nhất, còn khi trở về thì theo đường kia để đến Đồn biên phòng Pác Ma.

Bản Pô Lếch nằm ven bờ sông Đà, có chừng hai chục nóc nhà. Bà con ở bản là người dân tộc Cống. Ngày đầu đi đã gặp may. Anh chủ nhà thấy tôi nghêu ngao hát tiếng Lào liền hỏi chuyện. Hóa ra ngày xưa anh ở cùng Trung đoàn Công binh bên Cánh đồng Chum. Gặp đồng đội đơn vị cũ, anh mừng lắm và bảo vợ thịt gà làm cơm đãi khách. Bữa cơm có thịt gà nấu với măng chua, măng đắng chấm tương, cá nướng và cá luộc. Cơm xong, anh giục tôi đi ngủ sớm, còn anh lại nấu cơm nếp, nướng cá để sáng sớm mai chúng tôi mang đi.

Hơn 5 giờ sáng, trời còn tối mù mịt, Pa Ven đã đánh thức tôi dậy và không ăn sáng, chúng tôi lên đường ngay. Từ bản Pô Lếch tới chân núi Tà Tổng chỉ khoảng chục cây số. Chúng tôi đi như chạy, làm sao khi trời rạng sáng là đến suối Pô Lếch dưới chân núi. Lúc đó mới ăn sáng, chuẩn bị nước uống và leo dốc.

nhung giot dau chay len tay bac tiep theo va het
Đoàn công tác trao quà cho các em học sinh tại Trường mầm non Sín Thầu - điểm trường bản Tá Miếu, Điện Biên

7 rưỡi sáng, chúng tôi bắt đầu đặt những bước chân đầu tiên trên con đường mòn ngược dốc Tà Tổng. Càng lên cao, con sông Đà càng nhỏ lại. Nhưng cái mệt mỏi bắt đầu ập tới. Chân tôi như cứng lại, tim đập như gõ trống, tai ù đặc và thở không ra hơi. Đường lên vòi vọi, dốc như dựng ngược trước mắt; vực thẳm sâu hun hút, gió rít như quất roi… Chúng tôi nhích dần qua những bản mà nghe tên cứ như trong “Thủy Hử”: Giàng Ly Tra, Cô Lô Hồ… qua những rừng bưởi, rừng ổi, rừng sơn tra (táo Mèo). Nhưng không còn hơi sức đâu mà ngắm, mà nhìn nữa. Thú thực, lúc đó tôi muốn quay về. Cha Sồ nhìn tôi ái ngại. Anh bảo tôi đưa khẩu AK cho anh, nhưng tính sĩ diện trong tôi nổi lên, tôi không nghe và cố lê từng bước.

 Về con dốc Tà Tổng này có chuyện vui lắm.

Chuyện kể rằng, có ba cô giáo vùng xuôi xung phong lên Lai Châu và hăng hái vào Mường Tè. Chẳng hiểu do sự lãng mạn hay do động cơ gì mà ba cô xung phong vào Mường Nhé. Hôm leo dốc Tà Tổng, ba cô vừa leo vừa khóc. Anh em công an đi cùng phải dìu, phải ẩy vào lưng các cô mới nhích được từng mét. Đến chiều tối thì họ lên được đỉnh dốc. Ba cô lăn ra bãi cỏ khóc từng cơn rồi cười từng cơn, rồi họ… tè vào một tảng đá to trên đỉnh núi và thề không bao giờ quay lại con đường đó nữa. Đúng 3 năm, họ không về phép và ở lỳ tại Mường Nhé. Cho đến một lần có máy bay trực thăng tiếp tế cho Đồn biên phòng Mường Nhé họ xin ra tỉnh chơi và từ đó họ chuồn luôn. Phòng Giáo dục huyện phải làm thủ tục cho họ chuyển về xuôi. Có lẽ trên đất nước ta, không còn vùng nào mà phải chở lương thực, thực phẩm, súng đạn cho bộ đội bằng máy bay trực thăng như ở vùng ngã ba biên giới này. Hằng năm, vào tháng 4, bộ đội phải lập “cầu hàng không” tiếp tế cho các đơn vị ở Mường Nhé, Chung Chải, Leng Su Sìn, Sín Thầu. Chả thế mà có chuyện rằng, dân hai bản ở Mường Nhé cãi nhau chí tử vì họ không tin là có chiếc xe đạp chỉ có hai bánh mà đi không đổ. Nói đến ôtô, họ tin vì đã thấy ở huyện; nói đến máy bay, họ quá biết, thậm chí nhiều người còn được bộ đội cho cưỡi máy bay trực thăng lượn một vòng quanh xã, với “giá vé” là một ống bương mật ong (khoảng 15 lít) cho một “chuyến bay”. Nhưng nói đến xe đạp, thì quả là chưa từng thấy… Mà bà con dân tộc, không nhìn thấy sao có thể tin.

nhung giot dau chay len tay bac tiep theo va het
Học sinh dân tộc Hà Nhì của Trường PT Dân tộc bán trú Tiểu học Sín Thầu

Chúng tôi đi mà mỗi giờ tưởng như vô tận. Thi thoảng gặp một vài người Mông, chúng tôi hỏi sắp tới chưa, họ cười mà rằng: “Cứ đi, còn một tí, một tí nữa thôi!”. Người Mông có tính thích nói ngược. Hễ sắp đến thì họ bảo còn “xa lắm, xa lắm”. Nhưng nếu còn xa thì lại “một tí…”.

Con sông Đà không còn nhìn thấy nữa. Mây đùn lên như khói đốt nương, chúng tôi đi trong mây, quờ tay ra vồ mây, há mồm ra đớp mây… Mây lành lạnh và ẩm làm chúng tôi có thêm chút sức lực. Cho đến lúc mặt trời chạm đỉnh núi phía tây thì chúng tôi lên tới đỉnh núi. Lúc đó, tôi muốn hét lên để thách thức với núi cao, dốc hiểm. Và bỗng dưng tôi nghĩ rằng, đã leo được con dốc Tà Tổng này thì không còn con đường nào trên đất nước ta lại không đến được”.

Cũng phải nói thêm rằng, dốc Tà Tổng có độ dài lên dốc ở sườn phía đông bắc là 28km và xuống dốc ở sườn phía tây là gần 40km.

Để  giúp đỡ đoàn, Công an huyện Mường Nhé, bộ đội biên phòng Đồn A Pa Chải, UBND xã Sín Thầu đã cử hơn chục người “hộ tống”. Thượng tá Lâm Thị Hoa, Trưởng phòng Công tác Chính trị Công an tỉnh Điện Biên và 3 cán bộ của đội tuyên truyền cũng tham gia chuyến đi này.

Pờ Dần Sinh, nguyên Chủ tịch và Bí thư xã Sín Thầu cùng cô giáo Pờ Chinh Lan dẫn đường. Pờ Chinh Lan là con gái ông Pờ Xì Tài, Trưởng Công an xã, rồi  Bí thư đảng ủy xã trong những năm 80-90 của thế kỷ trước. Ông được coi là “cây cột” vùng ngã ba biên giới. Và ông coi Nguyễn Như Phong như người em trai. Năm nào, cứ đến gần dịp tết Hà Nhì vào tháng 12 (dương lịch), ông cũng gọi Như Phong về ăn tết. Có năm, ông Phong về Sín Thầu, ông đã đi bộ ra gần tận nửa dốc Tắc Tè, cách bản Tả Kho Khừ 5 cây số để chờ đón.

Thực ra, mấy năm gần đây, số lượng người lên cột mốc số 0 cũng tăng nhanh, ngoài những cán bộ có trách nhiệm về biên giới thì cũng có không ít người muốn đến để được một lần trong đời tới nơi ngã ba biên giới. Anh em biên phòng vẫn kể cho nhau về chuyện Giáo sư Tạ Ngọc Tấn, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia lên cột mốc số 0 khi tuổi đã ngoài 60 và điều kỳ lạ là chính ông lại còn động viên anh em, mặc dù lúc đầu, mọi người đã bí mật bàn nhau sẽ cõng ông xuống.

 Vượt qua khoảng 20 cây số ngồi trên ôtô đường đèo khó đi, hai bên cánh của 3 chiếc xe hai cầu có thể leo núi và đi được địa hình xấu đều xước sát vì đoạn đường hẹp, cây rừng khô cứ thế đâm thẳng vào xe.

Dừng chân tại một bãi đá, những thành viên đầu tiên trong đoàn bắt đầu hành trình chinh phục. Sau một chặng đường dài khoảng 500m với đá lởm chởm, rồi tiếp đó là đi như chui trong rừng nguyên sinh.

Dốc như dựng ngược trước mặt. Có đoạn đầu người đi sau, muốn chạm mông người đi trước.

Có đoạn phải chui, phải bò qua những thân cây cổ thụ đổ chắn đường.

nhung giot dau chay len tay bac tiep theo va het
Đường lên Cột mốc số 0

Nhờ sự giúp sức của các anh bộ đội biên phòng, vượt qua được “chướng ngại vật”, không chỉ tôi mà nhiều thành viên trong đoàn bắt đầu thấy hoang mang, thậm chí là sốc vì chặng mở đầu cho hành trình quá gian nan, thậm chí là nguy hiểm, khi vực thì ngay kề cạnh. Chưa kể, đích đến thì không thể thấy khi tầm nhìn bị hạn chế trong phạm vi khoảng 10m. Các chị em trong đoàn động viên nhau cố gắng đi tiếp khi nhìn thấy trong tốp đầu dẫn đoàn là Chủ tịch HĐQT PVI Nguyễn Anh Tuấn rồi Tổng biên tập Nguyễn Như Phong và một nữ cán bộ công đoàn Dầu khí là chị Yến thì cứ đi thủng thẳng như không. Chị được coi là người phụ nữ leo núi dẻo dai, bền bỉ nhất.

Trời như thử lòng người, vượt qua được chặng đầu là đoạn đường mòn thoai thoải dễ đi và có cây lá um tùm xanh mát. Nhưng đoạn nào bằng phẳng lắm cũng không quá 200m. Còn tất cả là cứ ngược núi…

Tiếp tục hoang mang nhưng không thể bỏ cuộc. Trong chúng tôi giờ chỉ còn một suy nghĩ, cố gắng và cố gắng, cứ đi là sẽ tới, nhưng càng đi càng chẳng thấy đỉnh ở đâu. Chỉ độc một con đường mòn. Bò lên thì úp mặt vào đất bùn. Chui xuống cây đổ ngang đường, chưa chui qua hết đã va vào đầu sưng tấy. Đi mãi đi mãi... Con đường tưởng dài như bất tận. Trên người tôi có mỗi cái túi xách bé nhưng giờ đây nó chả khác nào dây xích cứa vào vai qua hai lớp áo. Và thế là bao nhiêu đồ đạc trong đoàn từ túi xách, balô, máy ảnh, nước uống… CBCS công an và bộ đội biên phòng đều đeo giúp hết. Phải nói rằng, nếu không có sự giúp sức vô cùng nhiệt tình của CBCS và bà con Sín Thầu thì có lẽ đoàn chúng tôi không đủ sức để chinh phục được cột mốc.

Chúng tôi há hốc miệng ra để đớp lấy luồng khí lạnh và ẩm, tim đập như gõ trống… có những lúc tưởng muốn gục xuống… nhưng chúng tôi vẫn kiên nhẫn, nhích như đếm từng bước.

Và đúng là cứ đi rồi sẽ tới, thời gian rút lại dần, cứ mỗi người đặt chân được lên tới đỉnh núi nơi cắm cột mốc, cả đoàn lại vỗ tay hoan hô. Chưa bao giờ tôi có được những giây phút tuyệt vời như thế. Và cảm giác sung sướng nhất là thấy mình chiến thắng được chính mình.

Cột mốc được xây trên quả núi có  độ cao 1.864m so với mặt nước biển. Toàn bộ cột mốc được xây dựng bằng đá hoa cương với bệ đỡ vuông quay mặt về ba hướng, mỗi mặt đều khắc tên nước bằng chữ quốc ngữ và quốc huy của mỗi quốc gia.

Một bữa trưa đặc biệt ngay tại cột mốc do ông Pờ Dần Sinh chu đáo chuẩn bị với xôi nếp cẩm, có thịt gà luộc, thịt lợn rừng gác bếp, món củ cải muối… ai trong đoàn cũng tấm tắc khen ngon, nhưng  không ai dám ăn no vì còn đoạn đường gần hai tiếng xuống núi.

Lên dốc thì chồn chân, xuống dốc thì mỏi gối, quả đúng thế. Xuống dốc, chỉ sơ xảy là ngã… và trừ anh em dân quân, công an, còn hình như cả đoàn ai cũng ngã, chí ít là một lần… còn ngã dăm ba lần thì là cũng vài người.

Sợ Tổng biên tập Nguyễn Như Phong ngã, ông Pờ Dần Sinh đi trước và dặn: “Nếu ngã, anh cứ lao vào em”.

Tổng biên tập Nguyễn Như Phong, người từng đi hết tuyến biên giới Việt - Trung của huyện Mường Nhé và Mường Tè bây giờ cũng phải công nhận đường lên Cột mốc số 0 là hiểm trở và khó chưa từng thấy.

Cả đoàn lên được Cột mốc số 0 và trở về an toàn, đó đúng là một “kỳ tích”, đối với đội quân quanh năm ngồi bàn giấy, hít khí điều hòa nhiệt độ.

Sang ngày thứ 5, đoàn chúng tôi về thành phố Điện Biên. Đoàn tiếp tục trao quà cho CBCS Công an tỉnh Điện Biên; những già làng, trưởng dòng họ uy tín có đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc tại huyện Điện Biên Đông - huyện khó khăn nhất của tỉnh Điện Biên; trao quà cho các em nhỏ tại xã Phì Nhừ.

Tiếp tục chặng đường dài gần 100km. Không biết bao nhiêu lần lãnh đạo đoàn phải thốt lên “dừng nốt lần này thôi nhé”, bởi cứ đi được một đoạn, cả đoàn lại dừng chân, cũng vì thiên nhiên Tây Bắc quá hùng vĩ, mây ôm núi rồi lơ lửng giữa tầng không, tưởng như chốn bồng lai tiên cảnh…

Buổi tối hôm chia tay, cả đoàn hòa mình trong lời hát quen thuộc của “Tình ca Tây Bắc”, được nghe tiếng sáo ngân nga giữa rừng, rồi vui say trong điệu múa sạp. Món quà từ Công an tỉnh Điện Biên là chiếc khăn piêu vẫn ấm trên vai. Một chuyến Tây Bắc không thể nào quên của tôi, với đủ mọi trải nghiệm, được ngắm thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng, được chinh phục hành trình “không tưởng” Cột mốc số 0, được biết thêm nhiều điều về biên giới, về cuộc sống, phong tục tập quán thú vị của bà con các dân tộc Tây Bắc:

“Ta về đấy, này Mường Then, Mường Nhé

Chỉ hồng điều thêm thắm chiếc khăn piêu

Đàn bướm trắng đậu hoài trên áo cóm

Điệu xòe hoa nghiêng ngả cả mây chiều…”.

Và tôi nhớ hơn cả là tấm chân tình của lãnh đạo, CBCS, bà con những xã, huyện biên giới chúng tôi đi qua. Lo lắng tận tình cho cả đoàn từ chỗ ngủ, từng bữa cơm với đủ món đặc sản phong phú, ngon miệng. Dù ở đâu, đều là đồng bào mình cả đấy. Và tôi nhớ tới lời của một người mà mình rất ngưỡng mộ: “Hãy giúp đỡ bất cứ ai… nếu có thể”.

Thanh Huyền (ghi)

Năng lượng Mới 494

DMCA.com Protection Status