Thanh niên DMC tìm hiểu về chủ quyền Biển Đông

08:27 | 29/05/2014

928 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Chiều 28/5, tại Hà Nội, Đoàn Thanh niên Tổng Công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí (DMC) đã tổ chức buổi gặp mặt, giao lưu với Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ về các vấn đề liên quan đến khu vực Biển Đông.

TS Trần Công Trục giải đáp các thắc mắc của các đoàn viên thanh niên xung quanh vấn đề về Biển Đông

Tại buổi trò chuyện với tuổi trẻ DMC, TS Trần Công Trục đã làm rõ về một số vấn đề cơ bản liên quan tới công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, lãnh thổ của Việt Nam. Theo TS Trục, những tranh chấp trên Biển Đông hiện nay rất phức tạp và nhận thức rất khác nhau. Đối với mỗi công dân Việt Nam, điều đầu tiên là cần phải hiểu rõ về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, thông qua việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục sâu rộng hơn nữa và làm sao để mỗi người Việt Nam hiểu được: Hoàng Sa, Trường Sa, các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hợp pháp là phần không thể tách rời trên lãnh thổ Việt Nam.

Nhiều năm qua, Trung Quốc luôn có những yêu sách đi ngược lại Công ước quốc tế trên vùng đặc quyền kinh tế biển của Việt Nam. Chẳng hạn như đường ‘lưỡi bò’ phi pháp, phi lý  chiếm tới 85% diện tích Biển Đông do Trung Quốc vạch ra và cố tình giải thích cũng như áp dụng sai Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982.

Trên thực tế, Trung Quốc đã thực hiện các hoạt động về mặt hành chính như đưa các tàu thuyền hải giám, ngư chính hay hải quân tuần tiễu trong phạm vi của đường "lưỡi bò". Và tự đưa ra quy định bắt buộc các tàu thuyền đánh cá nước ngoài khi đi vào vùng biển này phải xin phép, chịu các quy định của họ nếu không sẽ bị bắt, bị phạt, tịch thu phương tiện, sản phẩm. Thậm chí thể hiện hành động vô nhân đạo, đâm chìm tàu làm chết và bị thương ngư dân Việt Nam.

Gần đây nhất là việc Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, bất chấp phản ứng của dư luận, bất chấp tất cả các tiếng nói chính nghĩa và bất chấp cả những thiện chí của các bên liên quan. Trước hết, tọa độ mà phía Trung Quốc hạ đặt giàn khoan nằm cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, cách đảo Tri Tôn 18 hải lý về phía Nam. Vị trí này hoàn toàn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, tính từ đường cơ sở ven bờ lục địa Việt Nam mà Nhà nước Việt Nam đã công bố đúng theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Việc Trung Quốc chọn vị trí này nhằm thực hiện ý đồ từng bước hiện thực hóa yêu sách đường "lưỡi bò" sai trái.

“Phải khẳng định rõ ràng, vị trí này nằm hoàn toàn trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tất cả các yếu tố pháp lý và khoa học đều cho thấy, vùng này không phải là vùng chồng lấn, không hề có tranh chấp”, ông Trục nhấn mạnh.

Cũng theo ông Trần Công Trục, việc Trung Quốc đưa giàn khoan xâm phạm vùng biển Việt Nam là một bước đi có tính toán. Về tính thời điểm, khi họ tính bước mới, họ đã tính thời điểm quốc tế đang có rất nhiều vấn đề, nhất là Phương Tây, Nga, Mỹ đang có quan tâm rất lớn ở Ukraine. Nhân loại đang hồi hộp trông chờ điều gì sẽ diễn ra ở đó, cho nên vấn đề tranh chấp ở Biển Đông hay biển Hoa Đông bây giờ có thể không phải ưu tiên quan tâm số một nữa. Mặc dù Mỹ tuyên bố rất mạnh mẽ nhưng họ vẫn lưu ý đến những khu vực sát sườn đến quyền lợi của họ hơn - đó là Trung Đông và Ukraine. Cho nên, Trung Quốc đã lợi dụng thời điểm này nhảy vào.

Tuổi trẻ DMC chụp ảnh lưu niệm cùng TS Trần Công Trục

TS Trục cũng thẳng thắn chia sẻ, hiện nay trên phương tiện truyền thông vẫn còn một số nơi chưa lưu ý đến tên gọi của các đảo trong hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Ngay như từ “Biển Đông”, dù đã có quyết định của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), thống nhất Biển Đông là danh từ riêng viết hoa cả hai âm tiết nhưng cho đến nay nhiều báo vẫn viết “biển Đông” hay dịch ra tiếng Anh vẫn nhầm lẫn ghi là “Đông sea”, hoặc “East sea” mà không ghi đầy đủ là “Biển Đông sea”. Theo TS Trục, thực ra tên gọi không có ý nghĩa gì nhiều về mặt pháp lý nhưng khi Nhà nước có quy định cái tên đó thì cần phải theo và có sự thống nhất trong các nghiên cứu nhất là các văn bản pháp lý, theo ông Trục trong công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo với Trung Quốc, các cơ quan truyền thông báo chí càng phải cẩn trọng về từ ngữ để tránh những “chiêu trò” bắt bẻ của họ.

Theo nhận định riêng, TS Trục kỳ vọng, trong lịch sử đấu tranh bảo vệ đất nước chống ngoại xâm và những giai đoạn cực kỳ khó khăn nhưng Việt Nam vẫn có những giải pháp hợp lý. Cùng với đó là mối quan hệ đa phương, bạn bè trên thế giới sẽ ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam vượt qua khó khăn hiện nay.

Cũng trong buổi giao lưu, TS Trục đã giải đáp thêm các thắc mắc về cụm từ DOC, quyền tự do hàng hải, phân định ranh giới biển và kinh nghiệm, kiến thức về công tác đấu tranh bảo chủ quyền biển, đảo, biên giới lãnh thổ... với CB CNV DMC.

Tổng giám đốc DMC Tôn Anh Thi và T.S Trần Công Trục

Thay mặt tập thể CB CNV NLĐ, Tổng giám đốc DMC Tôn Anh Thi đã cảm ơn và đánh giá cao những nội dung bổ ích, thiết thực do TS Trần Công Trục truyền đạt. Qua chương trình, Tổng giám đốc DMC mong muốn, mỗi CB CNV đặc biệt là tuổi trẻ DMC phải có trách nhiệm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp mọi người dân nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay chúng ta bảo vệ chủ quyền trong thời kỳ hòa bình, cần phải giữ ổn định môi trường cho sự phát triển, cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bản lĩnh của thế hệ trẻ thể hiện ở sự đoàn kết, tham gia phát triển kinh tế, lập nhiều thành tích trong lao động sản xuất cho đơn vị. Đó cũng là một cách để thể hiện tinh thần yêu nước, cùng nhau hướng về Biển Đông.

 

Nguyễn Kiên

DMCA.com Protection Status