Tổng công ty PTSC tổ chức chương trình “Về nguồn” năm 2012

16:43 | 25/05/2012

255 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Được sự đồng ý của Đảng ủy và lãnh đạo Tổng công ty, Công đoàn Tổng công ty PTSC phối hợp cùng Đoàn thanh niên và Hội Cựu chiến binh Tổng công ty tổ chức chương trình "Về nguồn": “Tây Bắc hùng vĩ thiêng liêng – Niềm tự hào dân tộc” trong các ngày từ 10/5 đến 14/5/2012 tại các tỉnh Tây Bắc: Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai.

Thực hiện chương trình phối hợp công tác năm 2012 của các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội, Tổng công ty PTSC thiết thực tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 37 năm ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2012); 58 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2012); 122 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 – 19/5/2012). Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong phối hợp công tác, thông qua các hoạt động nhằm giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống cách mạng của đất nước. Được sự đồng ý của Đảng ủy và lãnh đạo Tổng công ty, Công đoàn Tổng công ty PTSC phối hợp cùng Đoàn thanh niên và Hội Cựu chiến binh Tổng công ty tổ chức chương trình "Về nguồn”: “Tây Bắc hùng vĩ thiêng liêng – Niềm tự hào dân tộc” trong các ngày từ 10/5 đến 14/5/2012 tại các tỉnh Tây Bắc: Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai.

Bảo tàng Điện Biên Phủ

Tham gia đoàn hành trình có đồng chí Nguyễn Văn Dân – Ủy viên BTV Đảng ủy, Thành viên HĐQT, Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty; đồng chí Nguyễn Trần Toàn – Ủy viên BTV, Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty; đồng chí Vũ Minh Lai – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Tổng công ty; đồng chí Đỗ Huy Thế – Phó bí thư Đoàn Thanh niên Tổng công ty; các vị khách mời cùng 72 đại diện tiêu biểu của các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh đến từ các đơn vị thành viên/trực thuộc Tổng công ty.

Chinh phục đỉnh đèo Pha Đin

Sáng ngày 10/5/2012, sau khi tập trung toàn đoàn tại Hà Nội, chương trình hành trình được bắt đầu với điểm đến đầu tiên là Thủy điện Hòa Bình – công trình thế kỷ của đất nước, được khởi công tháng 11/1979 và hoàn thành sau 15 năm xây dựng, một tổ hợp công nghiệp khổng lồ với nhiều hạng mục quan trọng như đập đất đá, hầm dẫn nước vào tua bin, hệ thống hầm giao thông, hầm gian máy, vận hành, trạm biến áp, hệ thống kỹ thuật, hệ thống bảo vệ, gian máy với 8 tổ máy có công suất lên đến 240 MW, tổng công suất nhà máy đạt 1.920 MW, hằng năm đóng góp gần 1/3 sản lượng điện của cả nước. Sau khi được tham quan toàn cảnh nhà máy và xuống tận hầm sâu nơi các tổ máy đang hoạt động, Đoàn đã di chuyển lên 79 bậc thang tượng trưng cho 79 mùa xuân của Bác để tổ chức dâng hoa và dâng hương viếng tượng đài Bác Hồ trên đỉnh đồi Ông Tượng cạnh đập thủy điện. Được tận mắt chứng kiến công trình thế kỷ của đất nước càng thêm tự hào về truyền thống kiên cường bất khuất của dân tộc. Đã có biết bao mồ hôi, sức lực, cả xương máu và tuổi thanh xuân của những người thợ xây dựng công trình trong đó có những người bạn Xô Viết đã đổ xuống nơi đây. Hình ảnh đập thủy điện Hòa Bình đứng sừng sững trên dòng sông Đà như một minh chứng rõ nét về lòng quả cảm, sự quyết tâm của những con đất Việt: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”.

Dâng hương tại Nhà tù Sơn La

Rời thủy điện Hòa Bình, đoàn bắt đầu di chuyển trên các đoạn đường dốc, đèo khu vực Tây Bắc, sau khi chinh phục và nhìn ngắm toàn cảnh thung lũng Mai Châu trên đỉnh Dốc Cun, ghé Bản Lác tham quan tìm hiểu về phong tục tập quán và đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc Thái, Mường ở vùng núi Mai Châu, Đoàn đến nghỉ đêm tại thành phố Sơn La anh hùng, nơi ghi dấu nhiều chứng tích anh hùng của lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc.

Giao lưu với đồng bào Điện Biên

Sáng ngày 11/5/2012, Đoàn đến thăm và tặng quà lưu niệm tại Bảo tàng Sơn La, dâng hoa và dâng hương viếng các anh hùng liệt sỹ tại di tích Nhà tù Sơn La. Nhà tù do thực dân Pháp xây dựng năm 1908, chúng đã biến nơi đây thành địa ngục để giam cầm, đầy ải và thủ tiêu ý chí đấu tranh của những người Cộng sản Việt Nam. Nhưng cũng chính tại nơi đây, hơn bao giờ hết khí tiết của những người chiến sỹ cộng sản đã toả sáng và thắp lên ngọn lửa đấu tranh cách mạng khắp núi rừng Tây Bắc, nơi đây đã trở thành một trường học cách mạng vĩ đại rèn luyện và bổ sung cho Đảng, cho cách mạng Việt Nam những chiến sỹ cộng sản như các đồng chí: Tô Hiệu, Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Trân và bao đồng chí trung kiên khác. Trải qua hai trận đánh phá bằng bom của giặc Pháp (năm 1952) và đế quốc Mỹ (năm 1965) nhằm xóa dấu vết bao tội ác “trời không dung đất không tha” do bọn chúng gây ra, nhà tù chỉ còn là một bãi gạch đá tan hoang, sau ngày nước nhà hòa bình thống nhất, Bảo tàng Sơn La mới có điều kiện phục chế lại hai tháp canh và một phần nhà tù, còn để nguyên trạng vì không sưu tầm được hồ sơ thiết kế, bản vẽ chi tiết… Đến thăm Nhà tù Sơn La đoàn không những hình dung được “địa ngục trần gian” ngày ấy, mà còn hiểu rõ hơn bản chất của thực dân xâm lược khi cố tìm mọi cách để xóa sạch dấu vết tội ác do bọn chúng gây ra. Qua đó, càng thêm biết ơn bao người đã ngã xuống vì nền độc lập tự do cho Tổ quốc.

Tiếp tục hành trình, Đoàn bắt đầu chinh phục đèo Pha Đin lịch sử để đến với tỉnh Điện Biên, đây một trong “tứ đại đèo” của khu vực Tây Bắc, một trong những tuyến huyết mạch quan trọng tiếp vận vũ khí đạn dược và lương thực cho chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) của quân và dân ta. Với độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, khi lên dốc, lúc xuống dốc, con đường ngoằn ngoèo, chênh vênh, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm, lại nhiều "cua” hiểm trở. Đèo Pha Đin đã trở thành một biểu tượng của tinh thần quả cảm, gan dạ của quân dân Việt Nam quyết tâm đánh đuổi thực dân, giải phóng quê hương đất nước.

Đến với thành phố Điện Biên ngay trong những ngày tháng 5 lịch sử, các thành viên trong đoàn không khỏi xúc động bồi hồi khi được đặt chân đến mảnh đất anh hùng, nơi mà cách đây 58 năm quân và dân ta đã làm nên một chiến thắng lừng lẫy năm châu, nơi lưu giữ chiến tích oai hùng, cũng là nơi nhắc nhở mỗi người Việt Nam chúng ta không bao giờ quên sự mất mát hy sinh của các anh hùng liệt sỹ trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Trong không gian thiêng liêng, đoàn thành kính dâng hoa và thắp nén tâm nhang lên các ngôi mộ tại nghĩa trang liệt sỹ Điện Biên trên đồi A1, thăm tượng đài chiến thắng, di tích lịch sử hầm tướng Đờ Cát, cứ điểm Đồi A1, cầu Mường Thanh lịch sử, thăm và tặng quà lưu niệm tại Bảo tàng Điện Biên… Nhìn vào những hố bộc phá sâu hoắm mỗi chúng tôi như được sống lại những giây phút lịch sử của 58 năm về trước, càng thêm tự hào về những hy sinh và cống hiến của những người đã nằm xuống để làm nên một chiến thắng chấn động địa cầu. Chiến tranh đã lùi xa, Điện Biên hôm nay đã và đang từng ngày thay da đổi thịt và phát triển đi lên, trở thành điểm đến tự hào của không chỉ những người dân Việt Nam và cả các bạn bè quốc tế.

Tối ngày 11/5/2012 tại Hội trường khách sạn Mường Thanh Điện Biên, Đoàn hành trình của Tổng công ty đã tổ chức đêm giao lưu văn nghệ đầy ý nghĩa với đồng bào dân tộc Thái của tỉnh Điện Biên. Bằng những lời ca tiếng hát, những điệu múa truyền thống, các thành viên trong đoàn đã được hiểu thêm những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên. Buổi giao lưu diễn ra trong không khí ấm cúng, thân mật, đoàn kết đã để lại trong các thành viên trong Đoàn và người dân địa phương.

Ngày thứ ba của Hành trình, Đoàn tiếp tục hành trình gần một ngày đường vượt dãy Hoàng Liên Sơn, chinh phục đèo Ô Quy Hồ cao hơn 2000 so với mực nước biển để đến với thị trấn Sapa xinh đẹp thuộc tỉnh Lào Cai. Tại đây với các hoạt động tham quan trong chương trình: leo núi Hàm Rồng, xem biểu diễn ca múa nhạc dân tộc, các hoạt động của người dân địa phương… các thành viên trong đoàn đã được hiểu thêm về đời sống và những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Tối ngày 13/5/2012 trên chuyến tàu đêm Lào Cai – Hà Nội, đoàn đã di chuyển về lại thủ đô Hà Nội để trở về đơn vị công tác, kết thúc hành trình.

Chương trình về nguồn “Tây Bắc hùng vĩ thiêng liêng – Niềm tự hào dân tộc” năm 2012 đã thành công tốt đẹp. Cuộc hành trình đã thực sự để lại ấn tượng và những kỷ niệm khó quên đối với các thành viên trong Đoàn. Được tận mắt chứng kiến những di tích gắn với một thời lịch sử hào hùng của đất nước đặc biệt là Điện Biên Phủ, càng thêm tự hào về truyền thống anh hùng cách mạng của dân tộc, qua đó cá nhân đều tự ý thức hơn về việc tu dưỡng đạo đức, tiếp tục đẩy mạnh việc rèn luyện, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh quyết tâm đoàn kết đồng lòng xây dựng Tổng công ty PTSC Anh hùng phát triển bền vững đóng góp nhiều hơn nữa vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Nguyễn Tân Vinh

DMCA.com Protection Status