Tư vấn pháp luật công đoàn: Điểm tựa pháp lý

07:49 | 22/10/2013

662 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ trong công tác tái cơ cấu các tập đoàn Nhà nước. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã hoàn thiện và từng bước triển khai công tác tinh giản nhân sự tại các đơn vị thành viên. Trước tình hình đó, công đoàn ngành Dầu khí với nhiệm vụ bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động đã trở thành điểm tựa thực hiện công tác giải quyết các vấn đề liên quan đến Luật Lao động, trong đó nổi bật là công tác tư vấn pháp luật.

Trang bị kiến thức

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) là đơn vị có bề dày lịch sử, có vai trò trụ cột của nền kinh tế nước ta. Tập đoàn luôn thực hiện tốt việc bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp của công đoàn viên, chăm lo đời sống cán bộ, công nhân viên (CBCNV). Công đoàn Dầu khí Việt Nam luôn là đơn vị đi đầu trong công tác bảo vệ quyền lợi của người lao động. Đứng trước yêu cầu về tái cơ cấu doanh nghiệp, Công đoàn Dầu khí Việt Nam đã triển khai toàn diện công tác tư vấn pháp luật (TVPL) nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của công đoàn viên.

Vừa qua, tại trụ sở Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Công đoàn Dầu khí Việt Nam đã tổ chức Chương trình Tập huấn công tác Tư vấn Pháp luật 2013. Chương trình là sự tổng huấn luyện với sự tham gia của toàn bộ Ban Chấp hành Công đoàn ngành cùng hơn 100 cán bộ công đoàn phụ trách tư vấn pháp luật tại các đơn vị trực thuộc Tập đoàn.

Đồng Chí Đặng Quang Thiều, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trưởng ban CSPL Tổng Liên đoàn LĐVN định hướng về công tác TVPL

Đồng chí Hồ Công Kỳ, Chủ tịch Công Đoàn Dầu khí Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của Công tác TVPL: “Một trong những công tác quan trọng được Đảng, Chính phủ đặt ra là việc tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã hoàn thành kế hoạch tái cơ cấu các đơn vị trong Tập đoàn. Thời gian tới sẽ tiến hành tinh giản nguồn nhân lực, nâng cao tính cạnh tranh trong các đơn vị. Lãnh đạo Tập đoàn rất quan tâm và đánh giá cao công tác TVPL của các cán bộ công đoàn.Chính vì vậy, Công đoàn Dầu khí Việt Nam đã tổ chức lớp tập huấn TVPL cho các cán bộ công đoàn để trang bị những kiến thức cần thiết bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động. Chương trình tập huấn đã được chuẩn bị rất công phu với nhiều nội dung rất quan trọng đối với công tác TVPL của cán bộ công đoàn. Tôi mong rằng các đồng chí cán bộ công đoàn phụ trách TVPL cố gắng tiếp thu những kiến thức chương trình đem đến, ứng dụng vào thực tiễn các đơn vị để có thể xử lý được những vấn đề về chính sách pháp luật (CSPL) có thể xảy ra”.

Đồng chí Trần Xuân Quang, cán bộ công đoàn chuyên trách của Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) cho biết: “Tập huấn TVPL 2013 đã đem lại nhiều kiến thức bổ ích cho cán bộ công đoàn phụ trách công tác TVPL. Đây là điều cần thiết giúp điều hòa các mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động. Đại diện cho một đơn vị có số lượng CBCNV thuộc diện lớn nhất Tập đoàn nên chúng tôi thường xuyên phải xử lý các trường hợp xung đột giữa lợi ích người lao động và người sử dụng lao động. Bởi vậy, tập huấn công tác TVPL là cơ hội để tôi trao đổi, học tập được nhiều kinh nghiệm cùng các chuyên gia hàng đầu về CSPL, các đồng nghiệp trong Tập đoàn để xử lý các vấn đề chính sách pháp luật lao động để đảm bảo quyền lợi của giữa người lao động”. 

Cán bộ công đoàn vào cuộc

Trong những năm qua, PVN luôn đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, chăm lo đến đời sống CBCNV. Tính đến thời điểm hiện nay chưa xảy ra một vụ tranh chấp luật pháp hoặc khiếu kiện đông người về quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động. Công đoàn ngành Dầu khí luôn thực hiện tốt chức năng đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động.

Đồng chí Hồ Công Kỳ, Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam khai mạc Hội nghị Tập huấn Công tác TVPL 2013

Trong thực tế, có nhiều doanh nghiệp vì nhiều lý do đã vi phạm nghiêm trọng luật lao động như phạt tiền lương của người lao động, sa thải người lao động bất hợp pháp, không ký hợp đồng lao động… Trường hợp không ký hợp đồng lao động mà chỉ có hợp đồng tuyển dụng và mức lương khoán. Sau khi người lao động làm việc được 20 năm thì bị sa thải. Xảy ra kiện cáo mới phát hiện ra người lao động và người sử dụng lao động đều vi phạm luật lao động. Để giải quyết sự việc này đúng luật, người lao động sẽ thiệt thòi rất nhiều vì không hề có lương hưu, chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Khi đó, vai trò người TVPL của công đoàn đã thể hiện vai trò quyết định, đưa ra những tư vấn chính xác, cùng người sử dụng lao động giải quyết thấu đáo sự việc này. Với sự hỗ trợ của Công đoàn Việt Nam và Bảo hiểm Xã hội đã đồng ý cho doanh nghiệp đóng bảo hiểm cho người lao động nêu trên để người lao động được hưởng các chế độ về lương hưu, bảo hiểm y tế, trợ cấp thất nghiệp…

Một trường hợp thường xuyên xảy ra ở các doanh nghiệp đó là việc sa thải người lao động bất hợp pháp. Hiện nay, các doanh nghiệp thường lấy các quy định trong nội quy, thỏa ước lao động tập thể để làm căn cứ sa thải người lao động. Theo quy định của Luật Lao động thì những nội quy, thỏa ước lao động tập thể đều dưới luật. Ví dụ như: Người lao động có quyền nghỉ phép năm, người sử dụng lao động phải tạo điều kiện cho người lao động nghỉ phép năm hoặc trả tiền công cho người lao động nếu không tổ chức nghỉ phép năm. Nhưng luật không quy định là người lao động nghỉ phép năm bắt buộc phải thông báo cho người sử dụng lao động. Chính vì vậy khi người lao động nghỉ phép trong thời hạn nghỉ phép năm nhưng không thông báo cho người sử dụng lao động thì chỉ bị xử lý mức độ nặng nhất là cảnh cáo, hạ thi đua chứ không được phép sa thải. 

Toàn cảnh Hội nghị Tập huấn Công tác TVPL 2013

Định hướng về công tác TVPL của cán bộ công đoàn, đồng chí Đặng Quang Điều, Ủy viên Đoàn chủ tịch, Trưởng ban Chính sách Pháp Luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: “Tôi đánh giá rất cao công tác TVPL của Công đoàn Dầu khí Việt Nam. Cán bộ công đoàn với sự gần gũi người lao động có vị trí cực kỳ quan trọng khi xảy ra các vấn đề tranh chấp pháp luật. Vị trí của người cán bộ công đoàn là luôn đứng về phía người lao động, phải trang bị kiến thức về pháp luật để tư vấn một cách tốt nhất để đảm bảo lợi ích hợp pháp của người lao động. Khi có tranh chấp, kiện cáo liên quan đến người sử dụng lao động và người lao động, người cán bộ TVPL phải tham gia đầu tiên, chính vì vậy cán bộ TVPL cần có hiểu biết về pháp luật, có tâm và trách nhiệm”.

Có thể nói, công tác TVPL của cán bộ công đoàn cơ sở ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong sự phát triển của doanh nghiệp trong thời kỳ mới. Người lao động tin cán bộ công đoàn vì cán bộ công đoàn luôn đứng về phía người lao động. Để có thể xử lý các tình huống một cách trọn vẹn “hợp pháp - hợp lý - hợp tình”, cán bộ công đoàn phụ trách TVPL luôn cần nâng cao ý thức trách nhiệm, trang bị kiến thức pháp luật và phải “có tâm” với người lao động.    

Thành Công

DMCA.com Protection Status