Viết về ngành Dầu khí: Phải hiểu và bản lĩnh

08:24 | 19/06/2012

1,168 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Ngày 18/6, tại TP Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và báo Năng lượng Mới đã tổ chức tọa đàm: “Làm thế nào để viết Hay và Đúng về ngành Dầu khí”. Đây là tọa đàm thứ 2 sau buổi tọa đàm được tổ chức rất thành công hôm 12/6 tại Hà Nội. Các hoạt động này nhằm chào mừng Ngày Báo chí Cách Mạng Việt Nam (216).

Toàn cảnh buổi tọa đàm với sự tham dự của các học giả, nhà báo và lãnh đạo các đơn vị, những người làm truyền thông trong ngành Dầu khí

Tham dự tọa đàm có đồng chí Ngô Thường San, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam; đồng chí Trần Quang Dũng, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam; đồng chí Nguyễn Như Phong, Tổng biên tập báo Năng lượng Mới; ông Nguyễn Hùng Dũng, Tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí – PTSC; ông Ngô Hữu Hải, Tổng giám đốc Công ty Liên doanh Điều hành Hoàng Long – Hoàn Vũ JOC; cùng sự tham gia của các học giả, nhà báo như: học giả An Chi; nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP HCM; Thượng tá Thanh Hải, Trưởng cơ quan đại diện phía Nam báo Công an Nhân dân; nhà báo Mạnh Tú, Trưởng đại diện VTC tại phía Nam; nhà báo Thu Tuyết (báo Sài Gòn Giải Phóng), nhà báo Phan Tùng Sơn (báo Quân Đội Nhân Dân) và đông đảo các cán bộ, chuyên viên phụ trách công tác truyền thông tại các đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN).

Đồng chí Trần Quang Dũng, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Tập đoàn chủ trì buổi tọa đàm

Buổi tọa đàm diễn ra trong không khí đầm ấm, sôi nổi và thiết thực. Các đại biểu đã tập trung bàn thảo, đóng góp, chia sẻ những kinh nghiệm quý báo xoay quanh chủ đề trọng tâm là làm thế nào để viết cho đúng, cho trúng, hấp dẫn về ngành Dầu khí, đồng thời đưa ra những góp ý thẳng thắn, chân tình nhằm cải tiến nội dung và hình thức của tờ báo Năng lượng Mới và báo điện tử Petrotimes.

Mở đầu buổi tọa đàm, nhà báo Nguyễn Như Phong bày tỏ mong muốn các nhà báo chia sẻ những kinh nghiệm bổ ích khi tìm hiểu thông tin và viết bài về ngành Dầu khí để làm thế nào cho các nhà báo nói chung và phóng viên báo Năng lượng Mới nói riêng phát huy bút lực, viết đúng và hay hơn nữa về ngành, để phát hiện được cái mới, cái khó trong hoạt động dầu khí và các hoạt động thi đua, lao động của ngành.

Vốn là cây bút phóng sự dày dạn kinh nghiệm, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, Phó chủ tịch Hội Nhà báo TP HCM cho rằng viết về ngành Dầu khí sao cho đúng cho hay không phải là chuyện đơn giản mà phải có những hiểu biết nhất định về ngành mình muốn viết chứ không chỉ “cưỡi ngựa xem voi”. Phải chịu khó đi, xâm nhập thực tế, len lỏi vào đời sống người thợ dầu khí, “la cà” với những anh em công nhân kỹ sư thì chắc chắn sẽ có nhiều đề tài nóng bỏng, hấp dẫn. Còn nếu chỉ đến với ngành chỉ để xin văn bản, thông cáo báo chí, quá chú trọng về số liệu, chỉ tiêu, về sự kiện, ít tìm hiểu về con người thì muôn đời không thể viết hay được về ngành Dầu khí, bài báo sẽ khó gần với bạn đọc.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân (Phó chủ tịch Hội Nhà báo TP HCM): “Khi viết phóng sự về ngành Dầu khí thì yếu tố con người là cực kỳ quan trọng”.

“Ấn tượng với tôi về những người làm ngành Dầu khí là công việc đầy đặc thù khác biệt, đặc biệt như công việc trên giàn khoan. Khi viết phóng sự về ngành Dầu khí thì yếu tố con người là cực kỳ quan trọng. Tôi thường đi sâu vào khai thác những chi tiết khác biệt, những nỗi cực nhọc, gian nan của người lao động dầu khí nhằm cho mọi người hiểu đúng về công việc vất vả, nguy hiểm của họ. Nếu ngành Dầu khí thường xuyên tạo điều kiện cho nhà báo có các chuyến thực tế dài hơi thì sẽ viết đúng và hay hơn. Mà muốn viết hay thì nhà báo phải chia sẻ, trăn trở, phải trải lòng, phải sống cùng với những người lao động dầu khí”, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân bộc bạch.

San sẻ cùng ý kiến của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, nhà báo Phan Tùng Sơn – cây bút phóng sự của báo Quân Đội Nhân Dân – cho rằng để tìm thấy những tác phẩm báo chí viết về ngành Dầu khí thực sự rung động lòng người là rất hiếm hoi. Chất văn học trong các tác phẩm báo chí viết về ngành Dầu khí vẫn còn những hạn chế nhất định, chưa xứng đáng với tiềm năng, bề dày như ngành Dầu khí. Để viết hay thì phải đào sâu khai thác những số phận, cuộc đời, lát cắt của tình yêu đam mê lao động và sáng tạo của người thợ dầu khí thì mới có thể có những phóng sự, bút ký đi sâu vào lòng bạn đọc.

Nhà báo Phan Tùng Sơn – cây bút phóng sự của báo Quân Đội Nhân Dân

“Chúng ta phải hiểu rằng viết về ngành Dầu khí là không chỉ tuyên truyền về ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước mà còn phải tuyên truyền để khẳng định chủ quyền của quốc gia trên thềm lục địa, những quan hệ biện chứng giữa ngành dầu khí với bảo vệ biển đảo, an ninh quốc phòng. Tôi kiến nghị ngành Dầu khí cần tập huấn cho các nhà báo hiểu biết thêm khi viết về ngành. Bên cạnh đó cần tổ chức cho các nhà báo đi ra giàn khoan hoặc các công trình chế biến dầu khí để có thực tế sinh động hơn”, nhà báo Phan Tùng Sơn nói.

Còn theo ý kiến nhận định của Thượng tá, nhà báo Thanh Hải (Trưởng cơ quan đại diện phía Nam báo Công an Nhân dân), để viết hay về ngành Dầu khí thì nhà báo phải “đẫm mình” với sự kiện. Muốn viết đúng thì các nhà báo cần phải được cung cấp những thông tin chính thống. Thế nhưng việc tiếp cận thông tin, được tạo điều kiện đến thực tế tại các công trình của ngành để viết bài vẫn một số hạn chế, rào cản nhất định cần phải được khắc phục. Nên chăng ngành Dầu khí tổ chức trại sáng tác dành cho những nhà văn, nhà báo chững chạc, có tâm huyết thì hy vọng sẽ có nhiều tác phẩm báo chí hay và đúng về ngành.

Nhà báo Thanh Hải - Trưởng cơ quan đại diện phía Nam báo Công an Nhân dân

Là người nhiều năm theo dõi và viết về ngành Dầu khí, nhà báo Thu Tuyết (báo Sài Gòn Giải Phóng) cho rằng, muốn viết hay viết đúng về ngành Dầu khí thì cần hiểu biết cho kỹ về ngành bằng tư chất trong sáng, trung thực, bản lĩnh, không bị ép buộc bởi bất cứ áp lực nào cả. Viết đúng về ngành với lương tâm, với sự thật. Nhà báo cũng không ngại hỏi để tìm hiểu, khi hiểu rõ về ngành Dầu khí thì chắc chắn sẽ có những bài viết khách quan, tốt và chuẩn. Mặt khác, viết về ngành phải với tinh thần xây dựng, sẵn sàng phản biện lại những ý kiến trái chiều chứ không thể viết theo kiểu hùa vào cùng đám đông, vùi dập, không có động cơ trong sáng.

Nhà báo Thu Tuyết - báo Sài Gòn Giải Phóng

Ngoài ra, buổi tọa đàm cũng lắng nghe nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết của học giả An Chi, nhà báo Mạnh Tú (VTC)… đối với việc cải tiến về nội dung và hình thức của báo Năng lượng Mới trong thời gian qua. Buổi tọa đàm cũng dành thời gian cho những tâm sự với các nhà báo của những người làm dầu khí như các đồng chí Ngô Thường San, Nguyễn Hùng Dũng, Ngô Hữu Hải.

Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Ngô Thường San tâm sự bản thân ông cảm thấy ấm lòng đối với những lời tâm tình, chia sẻ của các nhà báo tại buổi tọa đàm. Ông cho rằng để viết đúng về ngành Dầu khí, đặc biệt là trên lĩnh vực khoa học kỹ thuật vốn dĩ hơi khó, khô khan và chưa phản ảnh đầy đủ. Những bài báo viết đúng về ngành, về những gian khổ của người thợ sẽ là cầu nối để dư luận có cái nhìn thiện cảm, ủng hộ. Để viết đúng thì phải hiểu về đặc sắc của ngành, về tính chất công việc, hiểu hết về cực nhọc của những người thợ. Chúng ta không thể đánh đồng những hình ảnh tiêu cực, hành vi sai phạm của một số tập đoàn kinh tế khác để quy chụp, nghi ngờ đối với các hoạt động của ngành Dầu khí.

Đồng chí Ngô Thường San, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam

“Tôi hy vọng các nhà báo sẽ giúp dư luận hiểu đúng hơn về Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam vì đây là niềm tự hào chung của đất nước và những thành tựu của ngành Dầu khí là rất đáng được trân trọng. Khi viết về ngành Dầu khí, các phóng viên cần có cái tâm để cùng xây dựng, liên kết với ngành nhằm gầy dựng niềm tin trong nhân dân, định hướng đúng đắn dư luận tin tưởng hơn vào tương lai của ngành hơn là những cách nhìn nhận, đánh giá phiến diện, thiếu khách quan làm cho mờ nhạt đi, làm xấu đi hình ảnh của ngành. Hội Dầu khí Việt Nam sẽ kết hợp với PVN và báo chí nhìn nhận những khía cạnh đặc thù của ngành Dầu khí để có thể nêu lên nhằm phản ánh sinh động về hoạt động của ngành Dầu khí và về những người thợ dầu khí trong thời gian tới”, đồng chí Ngô Thường San chia sẻ.

Về phía Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) và Công ty Liên doanh Điều hành Hoàng Long – Hoàn Vũ JOC, hai tổng giám đốc Nguyễn Hùng Dũng và Ngô Hữu Hải đã khẳng định luôn cởi mở, sẵn sàng mở cửa, tạo điều kiện tối đa để các nhà báo đi tác nghiệp thực tế tại các công trường, dự án, giàn khoan của mình (nhưng cũng phải đảm bảo các quy tắc an toàn) vì các doanh nghiệp trong ngành Dầu khí luôn tâm niệm rằng các nhà báo là những người quảng bá hình ảnh, mang tiếng nói, suy nghĩ của người lao động dầu khí đến với công chúng. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận với hơn 50.000 người lao động trong ngành Dầu khí nhưng việc đặc tả chân dung những khuôn mặt tiêu biểu của ngành vẫn còn rất ít. Nhà báo viết về ngành cũng phải có tấm lòng đam mê, thực sự có tâm huyết chân thực nhất với ngành, hiểu những kiến thức căn bản về dầu khí, cũng cần phải lăn xả thì sẽ có những bài viết chất lượng, viết đúng về ngành, về lòng nhiệt huyết của con người dầu khí…

Ông Nguyễn Hùng Dũng - Tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí – PTSC

Ông Ngô Hữu Hải - Tổng giám đốc Công ty Liên doanh Điều hành Hoàng Long - Hoàn Vũ JOC

Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, đồng chí Trần Quang Dũng thay mặt Ban Tuyên giáo Đảng ủy Tập đoàn và báo Năng lượng Mới tiếp thu và lĩnh hội các ý kiến đóng góp vô cùng giá trị, những chia sẻ chân tình giữa những người làm dầu khí và các nhà báo. Đồng chí khẳng định quan điểm của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam là luôn tôn trọng, cầu thị và sẵn sàng cung cấp thông tin cho các nhà báo, đồng thời trong thời gian tới sẽ thúc đẩy việc tổ chức trại sáng tác, tổ chức các chuyến đi thực tế cho các nhà văn, nhà báo tâm huyết với ngành. Đồng chí mong rằng các nhà báo tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa và có nhiều tác phẩm hay và đúng góp phần tuyên truyền và phát huy giá trị của ngành Dầu khí Việt Nam.

Ban Tuyên giáo Đảng ủy Tập đoàn và báo Năng lượng Mới tiếp thu và lĩnh hội các ý kiến đóng góp vô cùng giá trị

Đồng chí Trần Quang Dũng cũng đề nghị các cán bộ làm công tác truyền thông trong các đơn vị của ngành cần có sự nhìn nhận tinh tế về người làm báo, thực hiện cầu nối giữa doanh nghiệp và báo chí. Các cán bộ truyền thông phải chủ động phối hợp cùng các nhà báo phát hiện những vấn đề tiêu biểu ở những gương người tốt việc tốt điển hình trong đơn vị mình để tuyên truyền và tạo được sự đồng thuận, chia sẻ của xã hội. Với thế mạnh là hiện nay các đơn vị trong ngành có đến 59 website, 2 tạp chí chuyên ngành và 1 tờ báo thì các đơn vị cần đẩy mạnh phối hợp, chia sẻ thông tin lẫn nhau, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn ngành.

Những chia sẻ chân tình với báo Năng lượng Mới

Bên cạnh đó, đồng chí Trần Quang Dũng cũng nhấn mạnh báo Năng lượng Mới phải là “tiếng nói, ngọn cờ năng lượng” của hoạt động dầu khí. Tờ báo phải mang bản sắc dầu khí với tính chất định hướng sinh động bằng sự phản ánh hấp dẫn về công việc, con người, lĩnh vực hoạt động của ngành Dầu khí. Những câu chuyện về ngành Dầu khí trên báo cần được khai thác, cung cấp với tính hấp dẫn, không khô khan, tiếp cận theo hướng mới để cho sinh động hơn. Đồng thời tăng cường cải tiến các chuyên mục nhằm tạo sự hiểu biết phong phú, đúng và hay về ngành. Hơn nữa, vị trí của tờ báo cũng cần phải tăng cường đến với công chúng thông qua việc xây dựng thương hiệu và đẩy mạnh phát hành đến các địa bàn trọng điểm…

Thế Vinh

Ảnh: Nguyễn Hiển

DMCA.com Protection Status