VPI: Dấu ấn kết quả nghiên cứu khoa học

08:56 | 21/06/2012

505 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Chỉ riêng trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí, việc chủ trì và tham gia thực hiện hơn 700 đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu Khoa học Công nghệ (KHCN) cấp ngành, bộ, Nhà nước trong giai đoạn 20012011, có thể khẳng định rằng, Viện Dầu khí Việt Nam là đơn vị dẫn đầu trong cả nước về nghiên cứu làm sáng tỏ các cấu trúc địa chất, đánh giá tiềm năng và trữ lượng dầu khí các bể trầm tích trên đất liền và thềm lục địa Việt Nam cũng như ở nước ngoài; nghiên cứu xây dựng các mô hình địa chất, mô phỏng mỏ làm cơ sở để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên dầu khí của Việt Nam.

Có thể khẳng định, tất cả các mỏ được phát hiện và đưa vào khai thác đều có dấu ấn kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng các công nghệ tiên tiến của Viện Dầu khí Việt Nam. Các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước 22.01 (1981-1985), 2A (1986-1990), KT 01 (1991-1995), KT03 (1996-2000)… do Viện Dầu khí Việt Nam nghiên cứu đã đánh giá tiềm năng, phân vùng triển vọng dầu khí, đề xuất phương hướng triển khai công tác dầu khí trong các năm tiếp theo, góp phần xây dựng phương hướng phát triển ngành Dầu khí đến năm 2025. Đặc biệt, kết quả nghiên cứu của các đề tài đã làm cơ sở hoạch định chiến lược kêu gọi đầu tư nước ngoài, phục vụ chính sách “mở cửa” của Đảng và Nhà nước.

Phân tích mẫu động vật đáy tại Viện Dầu khí

Trong Chương trình nghiên cứu “Dầu khí và tài nguyên khoáng sản”, kết quả đề tài là cơ sở khoa học để hoạch định công tác của ngành Dầu khí, giải quyết được một số nhiệm vụ lớn là: Chính xác hóa cấu trúc địa chất, xác định được tiềm năng khí thiên nhiên, đề xuất hướng khai thác khí có hàm lượng CO2 cao bể Sông Hồng; chính xác hóa cấu trúc địa chất và tiềm năng dầu khí của bể Mã Lai – Thổ Chu; xác định đặc điểm phân bố và tiềm năng của các bẫy dầu khí dạng phi cấu tạo trong các bể trầm tích chủ yếu ở Việt Nam; đánh giá tiềm năng dầu khí của các thành tạo địa chất trước Kainozoi ở Việt Nam; xác định ảnh hưởng của các yếu tố kiến tạo, macma, địa nhiệt đến quá trình hình thành, tích tụ và bảo tồn dầu khí của các bể trầm tích Kainozoi ở Việt Nam.

Chương trình nghiên cứu KHCN biển KT-03 (1996-2000) “Địa chất, địa động lực và tiềm năng khoáng sản vùng biển Việt Nam” đã thu được các kết quả quan trọng về nghiên cứu tổng hợp của cấu trúc địa chất, địa động lực và tiềm năng khoáng sản vùng biển Việt Nam, đặt ra cơ sở khoa học cho các hoạt động kinh tế và quốc phòng; thành lập bản đồ phân vùng triển vọng dầu khí cho từng bể trầm tích Đệ Tam tỉ lệ 1:500.000; đánh giá triển vọng dầu khí và khoáng sản rắn.

Chương trình KHCN-09 (1996-2000) “Phát triển năng lượng bền vững đến năm 2020” đã đánh giá tình hình tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, tiềm năng dầu khí của Việt Nam và đề xuất hướng khai thác nguồn năng lượng này đến năm 2020. Đề tài nhánh KHCN-09-11-01 đã giúp Việt Nam lần đầu tiên xây dựng được bộ bản đồ cấu trúc, môi trường trầm tích Pliocen và Đệ Tứ, thống nhất cho toàn thềm lục địa Việt Nam, tỉ lệ 1:1.000.000, cho lô 106 và bể Cửu Long, tỉ lệ 1:200.000.

Đặc biệt trong giai đoạn 2006-2011, Viện Dầu khí Việt Nam đã thực hiện nhiệm vụ đánh giá tiềm năng dầu khí trên toàn lãnh thổ Việt Nam góp phần định hướng cho công tác tìm kiếm, thăm dò trong những năm 2011-2015 của Tập đoàn, đồng thời là cơ sở dữ liệu khoa học trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước thông qua các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước KC.09 (2006-2010): “Nghiên cứu cấu trúc địa chất và đánh giá tiềm năng dầu khí các khu vực Trường Sa và Tư Chính – Vũng Mây” do Viện Dầu khí Việt Nam chủ trì thực hiện lần đầu tiên đã xác định được ranh giới, đặc điểm cấu trúc của từng bể, bồn trầm tích ở vùng nước sâu, xa bờ cũng như tiềm năng dầu khí; “Đánh giá tiềm năng dầu khí trên vùng biển và thềm lục địa Việt Nam” (thuộc Đề án tổng thể “Điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên, môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020” (Đề án 47) do Tổng cục Biển và Hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý) đã làm rõ việc hình thành, tích tụ và phân bố dầu khí, xây dựng được một cơ sở dữ liệu khoa học, đầy đủ, tin cậy về tiềm năng và trữ lượng dầu khí trên vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, phục vụ việc hoạch định chính sách và xây dựng chiến lược tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, cũng như các giải pháp quản lý và khai thác hợp lý tài nguyên môi trường biển của Nhà nước một cách khoa học, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng và góp phần bảo vệ chủ quyền Quốc gia và an ninh quốc phòng.

Đối với lĩnh vực chế biến dầu khí, trong những năm gần đây, Viện Dầu khí Việt Nam triển khai chương trình nghiên cứu nhiên liệu sinh học góp phần chương trình an ninh năng lượng và cải thiện môi trường Quốc gia; nghiên cứu giải quyết vấn đề cơ bản về ổn định nguồn nguyên liệu cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, nghiên cứu các biện pháp nâng cao hiệu quả khai thác, vận chuyển tồn trữ bảo quản dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu. Nhiều đề tài nghiên cứu đã được đưa vào ứng dụng như: “Nghiên cứu dùng cồn etylic sản xuất trong nước pha chế xăng thương phẩm có trị số octan cao” cung cấp cơ sở khoa học đầy đủ để tư vấn cho Tập đoàn và các cơ quan chức năng xem xét triển khai sử dụng xăng pha cồn ở thị trường Việt Nam; “Nghiên cứu đề xuất một số giải pháp kỹ thuật nhằm tận dụng hệ thống kho chứa và các trạm bơm xăng dầu gốc khoáng sẵn có để tồn trữ và phân phối nhiên liệu sinh học” đưa ra các giải pháp cải tạo chuyển đổi cơ sở hạ tầng của tổng kho và cửa hàng xăng dầu gốc khoáng hiện có để tồn trữ và phân phối xăng sinh học.

Kết quả nghiên cứu “Khả năng chế biến các loại dầu thay thế dầu Bạch Hổ của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất” đã đưa ra được các nguồn dầu thô khả thi (không làm thay đổi lớn cấu hình công nghệ của nhà máy và có nguồn cung cấp ổn định) trong nước và trên thế giới có thể thay thế dầu Bạch Hổ dùng làm nguyên liệu cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, góp phần đảm bảo hiệu quả hoạt động của nhà máy. Đặc biệt, kết quả nghiên cứu, đánh giá, đề xuất giải pháp “Sử dụng hiệu quả condensate Rồng Đôi làm nguyên liệu cho nhà máy chế biến condensate (CPP)” đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và góp phần ổn định nguồn nhiên lệu cho nhà máy khi sử dụng condensate Rồng Đôi, ước tính lợi nhuận nhà máy tăng 3.825USD/ngày vận hành so với khi nhà máy sử dụng nguyên liệu cũ.

Bên cạnh đó, Viện Dầu khí Việt Nam đã chủ trì và tham gia thực hiện số lượng lớn đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu KHCN cấp ngành, bộ, Nhà nước trong các lĩnh vực an toàn – môi trường dầu khí, kinh tế và quản lý dầu khí. Viện Dầu khí Việt Nam đã được Tập đoàn tin tưởng giao trọng trách thực hiện xây dựng các các dự án quy hoạch mang tính chiến lược của ngành Dầu khí Việt Nam. Kết quả các dự án do Viện Dầu khí Việt Nam xây dựng đã đưa ra định hướng và giải pháp có trọng điểm trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính (thăm dò, khai thác dầu khí, lọc hóa dầu, sản xuất điện khí và dịch vụ kỹ thuật dầu khí), là cơ sở cho sự phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng như công nghiệp dầu khí của đất nước trong giai đoạn 2011-2015, định hướng đến 2025.

Ngân Hà

DMCA.com Protection Status