Xử lý dứt điểm, vực dậy các “đại dự án” kém hiệu quả

Bài 3: Cần cơ chế đặc biệt (Tiếp theo và hết)

15:33 | 18/06/2020

11,937 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Từ những bài học về sự thất bại của quá trình “giải cứu” doanh nghiệp (DN) nhà nước trong quá khứ, Chính phủ đã đặt ra hai nguyên tắc căn bản khi xử lý 12 dự án thua lỗ ngành công thương. Đó là không cấp thêm vốn Nhà nước và cho phá sản dự án không thể cứu vãn. Hướng đi đã rõ nhưng thực tế triển khai đang vấp phải nhiều rào cản về chính sách, đòi hỏi phải nhanh chóng có cơ chế đặc thù mới cứu được giá trị tài sản ít ỏi còn lại so với tổng mức đầu tư.
bai 3 can co che dac biet tiep theo va het
Những khối máy móc trị giá hàng nghìn tỷ đồng vẫn nằm “đắp chiếu” tại Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi.

Phân nhóm để tái cơ cấu

Tiếp nhận nhiệm vụ là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo của Chính phủ xử lý 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương (Ban Chỉ đạo) từ ngày 30-5-2019, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN (CMSC) vừa đề xuất đánh giá, phân loại đối với 12 dự án để có giải pháp cụ thể. Theo đó, CMSC sẽ chủ trì, phối hợp Bộ Công thương và các tập đoàn, tổng công ty đánh giá, phân loại từng dự án theo ba nhóm. Nhóm 1 gồm các dự án phục hồi có lãi; nhóm 2 là các dự án có thể tái cơ cấu để phục hồi chuyển lên nhóm 1; nhóm 3 gồm các dự án không thể tái cơ cấu, phục hồi, kiên quyết cho phá sản, giải thể, hoặc phương án khác để giảm bớt thiệt hại cho Nhà nước. Kết quả phân nhóm dự án sẽ được gửi Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, có biện pháp hỗ trợ về tài chính, tín dụng nhằm tái cơ cấu các dự án có tính khả thi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trường hợp phát sinh vấn đề vượt thẩm quyền.

TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đánh giá, đây là chuyển động mới nhất trong tiến trình thực hiện xử lý tồn đọng, yếu kém của 12 đại dự án thua lỗ ngành công thương. Về mặt tinh thần, chuyển động này có thể thúc đẩy tiến độ xử lý nhanh hơn nhưng về cơ bản vẫn khó thoát ra khỏi những sự ách tắc đã tích tụ. Nguyên nhân vì các dự án dở dang chưa quyết toán được, hơn nữa lại có năm dự án vướng tranh chấp hợp đồng tổng thầu EPC, liên quan yếu tố nước ngoài. Theo ông Thành, quá trình xử lý 12 đại dự án đang diễn ra quá chậm khiến chi phí điều chỉnh và chi phí cơ hội mà nền kinh tế phải trả quá lớn. Chi phí điều chỉnh là thời gian càng kéo dài thì phí tổn bỏ ra càng lớn, chi phí cơ hội là rất nhiều nguồn lực bị chôn vùi không sử dụng được hoặc không thể chuyển hóa theo cách này hay cách khác.

Hiện, Chính phủ đánh giá vướng mắc, tranh chấp trong hợp đồng EPC là một trong hai nút thắt lớn nhất cản trở quá trình tái cơ cấu các dự án và yêu cầu chủ đầu tư chủ động sử dụng tư vấn luật để hệ thống lại toàn bộ hợp đồng EPC đối với từng dự án, rà soát kỹ nội dung còn tranh chấp, vướng mắc. Qua đó đánh giá khả năng hòa giải, đưa ra trọng tài/tòa án phân xử hoặc chấm dứt hợp đồng để lựa chọn phương án dứt điểm tối ưu. Trường hợp chọn phương án chấm dứt hợp đồng EPC với nhà thầu nước ngoài, Chính phủ giao các bộ: Tài chính, Xây dựng hướng dẫn cụ thể việc thanh, quyết toán theo đề nghị của các chủ đầu tư nếu còn vướng mắc.

TS Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng thẳng thắn nêu quan điểm, nếu xử lý 12 đại dự án thua lỗ theo đúng nguyên lý thị trường, chấp nhận chịu đau, chấp nhận trả giá cho sai lầm của quá trình đầu tư trước đây thì không phải không có lối ra. Tuy nhiên, quá trình “đại phẫu” 12 dự án này lại được hành chính hóa, thiếu sáng tạo, đột phá vì bị “trói” vào quy định của các văn bản quy phạm pháp luật nên không gỡ ra được. Đây cũng là cách thức chúng ta đã thực hiện để tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) từ hơn 10 năm qua mà đến nay chưa có kết quả rõ rệt. Trong đó, Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) là trường hợp hai lần phải “đại phẫu” nhưng đến nay vẫn mắc kẹt, không cho phá sản nhưng cũng không được tiếp tục đầu tư để hoàn thiện năng lực vận hành. TS Nguyễn Đình Cung đề xuất, xử lý 12 “đại dự án” cần tiếp cận theo nguyên tắc thị trường với ba giải pháp: Một là, phá sản những dự án, DN không thể cứu chữa. Hai là, bán cho các nhà đầu tư tư nhân. Ba là, những dự án, DN có cơ hội phục hồi, nên giao cho một tổ chuyên trách gồm những người ở trong bộ máy nhà nước nhưng làm kinh doanh, hiểu biết về kinh doanh vào đánh giá, đưa ra phương án mục tiêu và điều kiện để vực dậy. Nhà nước phải có cơ chế đặc biệt, trao quyền tự chủ để họ có thể đạt được mục tiêu đã đề ra cùng với trách nhiệm tương ứng. Đây là điểm mấu chốt, bởi nếu tiếp tục vận hành theo mô hình của một DN nhà nước và quá trình xử lý luôn phải hỏi ý kiến các bộ, ngành nhiều vòng như hiện nay thì không bao giờ thoát ra được. Đối với phương án 2 và 3, Nhà nước có thể phải rót thêm một phần vốn trực tiếp hoặc ưu đãi về thuế, có cơ chế đặc thù trong một thời hạn nhất định để tạo điều kiện cho dự án, DN đó có khả năng phục hồi. Song song với thay đổi tư duy trong “trục vớt” những dự án yếu kém, việc xây dựng và thực thi các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cũng cần được triển khai mạnh mẽ và cụ thể hơn. Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam (Vami) Đào Phan Long cho rằng: Giống như câu chuyện của DQS, cả ngành đóng tàu của Việt Nam sau những cú sốc của thị trường đều đang lay lắt sống bằng cách cho thuê bãi hoặc làm dịch vụ sửa chữa, không đủ sức góp phần vào công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm mục tiêu trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam. Phát triển ngành công nghiệp đóng tàu không phải việc riêng của mỗi DN, không thể thả nổi cho DN tự bơi mà Nhà nước cần có chính sách bảo vệ thị trường, đào tạo nguồn nhân lực bài bản và thậm chí cung cấp đơn hàng để DN đóng tàu có “đất sống”.

Cơ chế về đấu giá tài sản

Theo ước tính, 12 “đại dự án” thua lỗ ngành công thương có tổng mức đầu tư ban đầu hơn 43.673 tỷ đồng nhưng sau đó, được các cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh lên hơn 63.610 tỷ đồng, tăng gần 46%. Trong đó, vốn chủ sở hữu hơn 14.350 tỷ đồng (chiếm 22,56%), vốn vay hơn 47.451 tỷ đồng (chiếm 74,6%), còn lại 2,84% từ các nguồn khác. Về cơ cấu, dư nợ vay các ngân hàng trong nước hơn 41.801 tỷ đồng, vay nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ hơn 6.617 tỷ đồng. Sản xuất thua lỗ đầm đìa, đến nay, gánh nặng tài chính, tín dụng đang trở thành lực cản cho quá trình hồi sinh các dự án này. Về phía các chủ nợ cũng đứng, ngồi không yên khi hàng chục nghìn tỷ đồng chưa thể thoát khỏi bảng nợ xấu, đã có ngân hàng khởi kiện DN ra tòa để thu hồi nợ.

Đó là trường hợp Ngân hàng thương mại cổ phần đại chúng Việt Nam (PvcomBank) khởi kiện Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco), đòi nợ số tiền 592,3 tỷ đồng, liên quan khoản vay của dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam do Vinapaco là chủ đầu tư. Trước đó, dự án này được giải quyết theo hướng cho phá sản nhưng ba lần đấu giá đều thất bại vì định giá cao (hơn 1.885 tỷ đồng), không có người mua. Đến khi có nhà đầu tư quan tâm thì quá hạn, phải làm lại thủ tục đấu giá. Theo chuyên gia tài chính, ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, nếu không còn cơ hội cho dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam thì khởi kiện ra tòa là biện pháp cuối cùng nhưng cần thiết để chấm dứt sự nhùng nhằng, dây dưa vì càng kéo dài càng thêm tổn thất tài chính. Tuy nhiên, Bộ Công thương cho rằng, vụ kiện này có thể khiến Vinapaco không thể tiến hành bán đấu giá tài sản cố định và hàng tồn kho của Nhà máy bột giấy Phương Nam theo chỉ đạo của Chính phủ. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam Nguyễn Tiến Thỏa cho biết, Thông tư 137/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc xác định giá khởi điểm của tài sản nhà nước bán đấu giá quy định: Giá khởi điểm được xác định theo nguyên tắc phải phù hợp giá bán thực tế của tài sản cùng loại hoặc tương tự ở thị trường địa phương tại thời điểm xác định giá. Nguyên tắc trên đã được cụ thể hóa bằng các phương pháp định giá thích hợp cho từng loại tài sản. Điều đó có nghĩa, khi định giá phải tuân thủ nguyên tắc thị trường; việc định giá, giảm giá cho ba lần đấu giá không thành như trường hợp của Nhà máy bột giấy Phương Nam cho thấy kết quả định giá không theo thị trường, không bán được là đương nhiên. Ông Thỏa cho rằng, cần áp dụng cơ chế đấu giá theo quy trình rút gọn và áp dụng một cơ chế đặc biệt về giá cho trường hợp của Nhà máy bột giấy Phương Nam. Cụ thể là khảo sát giá để có cơ sở giảm giá về mặt bằng giá thị trường, xác định giá tối thiểu tiến hành đấu giá, không nhất thiết phải tổ chức lại từ đầu việc định giá tài sản. Đối với các dự án thua lỗ khác, thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính thì nút thắt về giá khởi điểm sẽ được tháo gỡ.

Đến thời điểm hiện tại, vẫn còn bảy dự án, DN thua lỗ hoặc dở dang, dừng hoạt động. Theo các chuyên gia kinh tế, việc xử lý các dự án trong thời gian tới phải tiếp cận theo hướng ưu tiên thu hồi vốn nhanh nhất, thay vì đặt vấn đề thu hồi tất cả vốn đã bỏ ra, tức là xử lý bằng giải pháp kinh tế thay vì áp đặt nguyên tắc hành chính. Đây đều là những dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo - động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Muốn “trong đống tro tàn, có con đại bàng bay lên” như mục tiêu ban đầu của dự án, dứt khoát phải có cơ chế đặc biệt, giải pháp đột phá, trong đó cần phát huy tính chủ động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, tự chịu trách nhiệm của những người được giao trọng trách. Theo TS Nguyễn Đình Cung, năm 2020 không xử lý xong các đại dự án thua lỗ này là một sự thất bại trong tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế mà tái cơ cấu DN nhà nước là một trọng tâm. Thời gian để xử lý dứt điểm 12 dự án không còn nhiều, đây là lúc phải hạ quyết tâm cao nhất, có phương án mới, cách làm mới chi tiết, cụ thể. Đối với các dự án không thể cứu vãn, cần dũng cảm cho phá sản theo nguyên tắc thị trường để có cơ hội hồi sinh, đó là quy luật tất yếu của cuộc sống.

Chủ trương của Nhà nước là kiên quyết không bỏ tiền ngân sách cứu các dự án thua lỗ nhưng trong thực tế vận hành luôn có cái mới nảy sinh, phải có phương án giải quyết phù hợp, không nên coi những quy định đó là “vòng kim cô” trói buộc. Để dự án, DN đó chìm trong thua lỗ hàng chục năm, mất dần giá trị tài sản đã đầu tư cũng là thất thoát tiền ngân sách. Vậy tại sao không đặt vấn đề rót thêm một phần vốn để biến khối tài sản đang “chết” thành tài sản “sống”, đem lại giá trị xã hội? Thể chế này có hàng nghìn DN phá sản ở những quy mô khác nhau, chúng ta có đủ kinh nghiệm và phương án để học hỏi, áp dụng, vấn đề mấu chốt là có những con người đủ tâm huyết, đủ bản lĩnh để làm hết thẩm quyền, trách nhiệm hay không.

TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG

Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng

Theo Báo Nhân dân

bai 3 can co che dac biet tiep theo va hetGiải pháp tối ưu công tác vận hành chạy thử thiết bị dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2
bai 3 can co che dac biet tiep theo va hetDự án NMNĐ Thái Bình 2 - Từ góc nhìn lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất (Tiếp theo và hết)
bai 3 can co che dac biet tiep theo va hetBàn giao mặt bằng sạch cho dự án NCMR NMLD Dung Quất

DMCA.com Protection Status