Năng lượng từ trái tim 1

06:50 | 03/09/2020

5,461 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Hơn 60 năm trước, vào năm 1959, nhân chuyến thăm khu công nghiệp dầu khí Bacu của Azerbaijan (Liên Xô cũ), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mong muốn và đặt mục tiêu phải xây dựng được ngành công nghiệp dầu khí hiện đại để góp phần xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh. Tầm nhìn xa trông rộng và mong ước của Người đã trở thành mục tiêu hành động, là kim chỉ nam trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam. Ngày nay, các thế hệ con cháu của Người đã biến ý nguyện ấy thành hiện thực.

Những mốc son lịch sử

Thấu hiểu ý tưởng và mong ước của Bác cũng như tầm quan trọng của công nghiệp dầu khí đối với đất nước, kể từ đó, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đã dành cho ngành Dầu khí Việt Nam sự quan tâm đặc biệt. Sự quan tâm đó không chỉ ở việc sáng suốt hoạch định chủ trương, đường lối chiến lược, kịp thời ban hành chính sách pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành, cũng không chỉ ở chỗ ghi nhận, biểu dương, tôn vinh xứng đáng các thành tích mà còn thể hiện bằng việc nhiều lần tới thăm, động viên, biểu dương, khích lệ người lao động và trực tiếp tham dự sự kiện, chỉ đạo trên những công trình Dầu khí trọng điểm.

Năng lượng từ trái tim
Người lao động Vietsovpetro làm việc trên giàn khoan

Lịch sử truyền thống của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam luôn trang trọng lưu giữ những tình cảm và sự quan tâm sâu sắc đó như một niềm tự hào, một nguồn động lực lớn lao. Với vinh dự ấy, các thế hệ người Dầu khí luôn ý thức được trách nhiệm đối với đất nước, với nhân dân, vượt mọi khó khăn, không ngừng lao động sáng tạo, từng bước xây dựng ngành Dầu khí trưởng thành và đã gặt hái được nhiều thành công. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã trở thành đầu tàu kinh tế, là động lực của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, phát triển công nghiệp khí, công nghiệp điện đến chế biến và dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao. Tập đoàn luôn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, tiên phong trong hợp tác, hội nhập quốc tế, làm chủ công nghệ hiện đại, xây dựng được đội ngũ những người làm dầu khí hùng hậu, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh năng lượng, tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển; đóng góp xứng đáng, thiết thực vào công tác an sinh xã hội.

Kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Tập đoàn là dịp để người Dầu khí ôn lại truyền thống, điểm lại những mốc son lịch sử, tiếp tục lan truyền ngọn lửa nhiệt huyết trên hành trình tiến về phía trước.

Ngay sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 9-8-1975, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 224 về việc triển khai thăm dò dầu khí trên cả nước. Trong Nghị quyết 224 có đoạn: “Sau khi chiến thắng đế quốc Mỹ, cả nước ta bước vào thời kỳ phát triển kinh tế toàn diện; chúng ta phải nhanh chóng tìm và khai thác dầu khí. Dầu hỏa trở thành một vấn đề kinh tế và chính trị có ý nghĩa chiến lược cần được Nhà nước coi là một trọng điểm ưu tiên trong kế hoạch kinh tế tài chính và khoa học kỹ thuật…”.

Đó là khởi đầu mang tính bước ngoặt đối với ngành Dầu khí. Ngày 3-9-1975, Chính phủ ban hành Quyết định số 170 về việc thành lập Tổng cục Dầu mỏ và khí đốt Việt Nam - tổ chức tiền thân của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam ngày nay.

Năng lượng từ trái tim
Người lao động PTSC khảo sát ROV

Hơn 5 năm sau ngày thành lập, tháng 6-1981, dòng khí đầu tiên của Việt Nam được đưa vào khai thác, cung cấp nhiên liệu phục vụ cho phát triển công nghiệp nhẹ khu vực Tiền Hải - Thái Bình. 10 năm sau ngày thành lập, ngày 26-6-1986, tấn dầu đầu tiên của Việt Nam được khai thác từ mỏ Bạch Hổ. Kể từ đó Việt Nam đã bước vào danh sách các nước khai thác và xuất khẩu dầu thô, đánh dấu một bước tiến vững chắc, khẳng định một tương lai đầy hứa hẹn cho ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam.

Ngày 7-7-1988, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15/NQ-TW về phương hướng phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2000. Ngày 6-9-1988, việc phát hiện và tổ chức khai thác hiệu quả tầng dầu trữ lượng lớn trong đá móng nứt nẻ mỏ Bạch Hổ đã đi vào lịch sử khai thác dầu khí thế giới. Công nghiệp khí và chế biến dầu khí được hình thành với việc đưa khí vào bờ năm 1995, đưa vào hoạt động Nhà máy Đạm Phú Mỹ năm 2004, hình thành các cụm công nghiệp khí - điện - đạm Phú Mỹ, Cà Mau và các Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn... Ngành dịch vụ kỹ thuật công nghệ cao được phát triển với các công trình khai thác dầu khí biển tiêu chuẩn quốc tế, chế tạo giàn khoan tự nâng hiện đại có khả năng khoan thăm dò ở độ sâu hơn 100m nước.

Nghị quyết số 15 đã tạo bước phát triển kỳ diệu cho ngành công nghiệp dầu khí để có những đóng góp quan trọng cho kinh tế đất nước trong thập niên 90 của thế kỷ trước và định hướng chiến lược xây dựng và phát triển nền công nghiệp dầu khí Việt Nam đồng bộ, hiện đại.

Ngày 19-1-2006, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 41 và ngày 9-3-2006, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 386 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2025. Từ tháng 8-2006, hoạt động theo mô hình tổng công ty đã chuyển đổi thành công sang hoạt động theo mô hình tập đoàn kinh tế Nhà nước, hoàn thiện hệ thống chính trị đồng bộ trong toàn Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, bắt đầu chặng đường phát triển rực rỡ nhất, mạnh mẽ nhất, tạo nên một nền công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh của Việt Nam như ngày hôm nay.

Để định hướng cho giai đoạn phát triển tiếp theo của Tập đoàn, ngày 23-7-2015, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41/NQ-TW về định hướng chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035. Nghị quyết 41 tiếp tục mở ra một vận hội mới cho ngành Dầu khí Việt Nam với vai trò bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Ngọn lửa của niềm tin

Trong suốt chiều dài con đường 45 năm, những thế hệ người lao động Dầu khí đã lát những dấu ấn vinh quang, không phụ kỳ vọng của nhân dân, đóng góp thiết thực và hiệu quả cho đất nước. Đảng và Nhà nước đã ghi nhận, tôn vinh và tặng thưởng cho Tập đoàn, cho nhiều tập thể và cá nhân những phần thưởng cao quý như Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, danh hiệu Anh hùng Lao động, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất.

Năng lượng từ trái tim
Người lao động PVGAS

Bên cạnh những phần thưởng đó, thực sự ít có ngành nào có được vinh dự to lớn là được những vị lãnh đạo cao nhất của đất nước năm nào cũng tới thăm, động viên, có người tới thăm và dự sự kiện quan trọng của Tập đoàn hàng chục lần trong nhiệm kỳ lãnh đạo.

Cá nhân đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước đã thường xuyên dành thời gian quý báu quan tâm chỉ đạo đường lối hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, đặc biệt là trong việc thực hiện đường lối, chủ trương, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và công tác xây dựng Đảng. Trên những diễn đàn quốc tế, trong các chuyến thăm nước ngoài, hội đàm với lãnh đạo cấp cao của các nước, vấn đề hợp tác về năng lượng, về dầu khí luôn được Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng coi trọng đề cập. Đồng chí đã trực tiếp chứng kiến nhiều lễ ký kết giữa Tập đoàn với các công ty dầu khí lớn trên thế giới như Gazprom (LB Nga), ENI (Italia), Murphy (Hoa Kỳ)… Đồng chí cũng từng tới thăm trụ sở Tập đoàn Zarubezhneft (LB Nga) và đánh giá cao kết quả hợp tác và những thỏa thuận mới về mở rộng hợp tác giữa Petrovietnam và Zarubezhneft trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí ở Việt Nam, LB Nga và Vietsovpetro - Liên doanh đứng đầu trong ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam - biểu tượng của sự hợp tác hiệu quả và có đóng góp to lớn cho ngân sách của hai nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương những năm gần đây cũng thường xuyên tới thăm, làm việc với Tập đoàn, đặc biệt quan tâm hỗ trợ giải quyết những khó khăn về thể chế, chính sách và động viên người lao động Dầu khí phát huy truyền thống Anh hùng, duy trì vai trò, vị thế của ngành Dầu khí trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nuôi dưỡng khát vọng vươn lên, sánh vai với các tập đoàn dầu khí quốc tế…

Đối với các thế hệ người lao động Dầu khí, sự hiện diện của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước tại Tập đoàn có ý nghĩa sâu sắc, không chỉ là phần thưởng, là niềm vinh dự tự hào, mà còn là sự cổ vũ lớn lao. Chính sự ưu ái quan tâm quý báu cùng những tình cảm nồng ấm ấy đã luôn tạo ra nguồn năng lượng từ trái tim, là động lực để cả tập thể tiếp tục dấn thân cống hiến, nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi gian khổ, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Từ hơn 60 năm qua, mỗi người Dầu khí, ở trong tim đều đã và đang thắp lên một ngọn lửa, dẫn đường cho những khát vọng, nuôi dưỡng nhiệt huyết và bản lĩnh. Ngọn lửa đối với người Dầu khí, tùy thuộc thời khắc và tâm cảnh, khi thì hữu hạn hữu hình, lúc lại vô hình vô hạn, song đó luôn là một ngọn lửa thiêng liêng, chứa đựng chiều sâu văn hóa, văn hóa bản sắc Petrovietnam. Ngọn lửa đó luôn cần được nuôi dưỡng và lan truyền qua các thế hệ bằng sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Người dầu khí có quyền tự hào

Người dầu khí có quyền tự hào
PVN - Những đóng góp đáng tự hào

PVN - Những đóng góp đáng tự hào
Kiên định gói giải pháp

Kiên định gói giải pháp "vượt khủng hoảng", PVN nộp ngân sách Nhà nước gần 45 nghìn tỷ đồng
Tìm dầu để làm giàu cho Tổ quốc

Tìm dầu để làm giàu cho Tổ quốc
PVN làm theo lời Bác:

PVN làm theo lời Bác: "Thi đua là yêu nước"
45 năm PVN - Nhiều thăng trầm nhưng cũng lắm vinh quang

45 năm PVN - Nhiều thăng trầm nhưng cũng lắm vinh quang
Những mốc son trên chặng đường phát triển

Những mốc son trên chặng đường phát triển

Nguyễn Tiến Dũng

DMCA.com Protection Status