PVCFC dồn lực cho 3 mũi nhọn
Nhà máy Đạm Cà Mau |
Đẩy mạnh hoạt động đầu tư
PVCFC hoàn thiện thủ tục tiếp nhận, chuyển giao các dự án MBA đã thực hiện trong năm 2022 của đơn vị nhằm sớm ấn định tổ chức bộ máy sản xuất, kinh doanh trong toàn hệ thống của PVCFC trên cơ sở tận dụng lợi thế sẵn có, hạn chế và cắt giảm chi phí không cần thiết nhằm hướng tới hiệu quả tối ưu của hệ thống. Nghiên cứu, tìm kiếm các dự án đầu tư mới gần với chuỗi giá trị của đơn vị, nhất là dự án về kho bãi, vận chuyển, sản xuất, phân phối trong nước nhằm phục vụ cho nhiệm vụ, mục tiêu mở rộng địa bàn, lĩnh vực hoạt động ở các thị trường trong nước, kịp thời đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Để bảo đảm sự chủ động, linh hoạt về nguồn cung ứng nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho quá trình sản xuất trong thời gian tới, đơn vị tìm thêm một số cơ hội từ các dự án tiềm năng ở nước ngoài, đánh giá tính khả thi và hiệu quả của dự án đó nhằm xem xét mua một số dự án có cơ hội, tiềm năng cao để tạo lợi thế cạnh tranh dài hạn so với đối thủ trên thị trường.
Chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, kênh phân phối; đẩy mạnh xuất khẩu và kinh doanh quốc tế; chú trọng đến tiếp thị truyền thông trên các nền tảng kỹ thuật số giúp PVCFC chiếm thị phần tại tất cả các thị trường khu vực trong nước. Đặc biệt, tại khu vực Tây Nam Bộ, Phân bón Cà Mau chiếm đến 61%, đồng thời sản phẩm của công ty cũng đã có mặt ở hơn 20 quốc gia trên thế giới. Phân bón Cà Mau hiện đang sở hữu: Nhà máy Đạm Cà Mau có khả năng sản xuất urê hạt đục với công suất 800.000 tấn/năm; Nhà máy NPK Cà Mau với công suất 300.000 tấn/năm và vừa hoàn thành chuyển nhượng Nhà máy NPK Hàn - Việt, nhãn hiệu đã được khẳng định về chất lượng sản phẩm và được nông dân Việt Nam tin dùng nhiều năm qua, với công suất 360.000 tấn/năm. Việc sở hữu Công ty Phân bón Hàn - Việt là một trong những bước tiến quan trọng để Phân bón Cà Mau hoàn thiện bộ giải pháp dinh dưỡng toàn diện cho cây trồng, cùng bà con phát triển bền vững hơn, thịnh vượng hơn.
Bà con nông dân tham quan mô hình nông nghiệp chất lượng cao |
Cùng với bộ sản phẩm phân bón chất lượng, PVCFC tạo điều kiện cho bà con tiếp cận gần hơn với sản phẩm phân bón chất lượng ở mức chi phí phù hợp hơn. Bên cạnh việc tổ chức đưa hàng nghìn hộ nông dân tham quan Nhà máy Đạm Cà Mau trong nhiều năm qua, PVCFC còn kết hợp với địa phương để triển khai đa dạng các “Mô hình trồng trọt ứng dụng công nghệ cao” và các hội thảo cập nhật kỹ thuật sản xuất mới. Đây là cơ hội tốt giúp bà con chứng kiến, trải nghiệm thành quả trồng trọt khi sử dụng phân bón chất lượng, tiếp cận kỹ thuật canh tác bài bản, đúng liều lượng giúp vừa tiết kiệm chi phí, tăng năng suất và canh tác bền vững.
PVCFC xuất bán sản phẩm |
Trên hành trình 13 năm qua, Phân bón Cà Mau luôn giữ vững sứ mệnh “Người nuôi dưỡng” toàn diện cho cây trồng. Năm 2024, dự báo nền kinh tế vẫn còn nhiều thách thức, Phân bón Cà Mau với tinh thần không ngừng đổi mới sáng tạo, linh hoạt và thích ứng, không ngừng nỗ lực đồng hành cùng nhà nông Việt. Để mang sản phẩm đến gần bà con nông dân hơn nữa, Phân bón Cà Mau sẽ triển khai Dự án Nhà máy sản xuất phân bón Cà Mau - Cơ sở Bình Định với quy mô 3 ha, vốn đầu tư 120 tỉ đồng đã được UBND tỉnh Bình Định trao chứng nhận đầu tư tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh năm 2024. Tăng cường sản lượng phục vụ thị trường cả nước và mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu kinh doanh quốc tế cũng là một bước tiến trong 3 mũi chiến lược: Đầu tư; phát triển bền vững và chuyển đổi số mà công ty tập trung năm 2024.
Hoạt động này đã chứng minh sức hút, tiềm năng dự án thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tăng cường sản lượng phục vụ thị trường cả nước và mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu kinh doanh quốc tế. Ngoài tiềm năng, hiệu quả tác động và các yếu tố khác, dự án của Phân bón Cà Mau được địa phương chấp thuận khi phù hợp với định hướng thu hút đầu tư vào công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường. Nhà máy cơ sở Bình Định sẽ tiếp nối cung ứng các dòng phân bón chất lượng cao, tăng lợi ích của nhà nông nhưng giảm tác động vào môi trường để góp phần giảm phát thải khí nhà kính, phát triển nông nghiệp Net Zero.
Chuyển đổi số toàn diện
PVCFC đã và đang tiến hành đầu tư nhất định cho hoạt động chuyển đổi số trên cơ sở triển khai và áp dụng các dự án lớn như: Hệ thống quản trị ERP, Big Data, DMS... với nhiều cấp độ khác nhau nhằm khai thác hiệu quả thông tin, dữ liệu từ thị trường, nhà phân phối, nông dân và bước đầu đã mang lại những hiệu quả nhất định trong nội bộ đơn vị.
Trong năm 2024 và các năm tới đây, PVCFC cam kết tham gia sâu hơn nữa vào ngành nông nghiệp Việt Nam, trọng tâm hướng tới việc thu thập, khai thác dữ liệu về khí hậu, môi trường, cây trồng, thổ nhưỡng ở một số khu vực trọng điểm thông qua các công cụ, phần mềm, cảm biến, camera, thiết bị điều khiển tự động dựa trên sự phối hợp đồng bộ với các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp, khách hàng nhằm ứng dụng hiệu quả hơn nữa việc chuyển đổi số cho doanh nghiệp và khách hàng.
PVCFC cũng sẽ tiếp tục đầu tư và nâng cấp dự án về “Người nhân tạo” và các dự án mới nhằm cải thiện hơn nữa kênh giao tiếp, phản hồi với nông dân và nhà phân phối dựa trên nền tảng trực tuyến giúp người dùng gửi phản hồi, đặt câu hỏi cho hệ thống, qua đó cũng ghi nhận và phản hồi nhanh chóng cho các đối tượng.
Để mang sản phẩm đến gần bà con nông dân hơn nữa, Phân bón Cà Mau sẽ triển khai Dự án Nhà máy sản xuất phân bón Cà Mau - Cơ sở Bình Định với quy mô 3 ha, vốn đầu tư 120 tỉ đồng đã được UBND tỉnh Bình Định trao chứng nhận đầu tư tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh năm 2024. |
Sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường
Về sản xuất xanh và áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, một trong những giải pháp giảm lượng khí thải carbon hiện nay là triển khai các biện pháp tiết kiệm năng lượng trong sản xuất. Ý thức được điều này, từ nhiều năm nay, PVCFC chú trọng đầu tư vào các sáng kiến, giải pháp kỹ thuật tới tất cả các bộ phận sản xuất của Nhà máy Đạm Cà Mau. Trong đó, có nhiều giải pháp thực tế có hiệu quả cao, giúp tiết giảm chi phí và năng lượng cho nhà máy, nâng cao hiệu quả sử dụng đầu ra đối với các quy trình và sản phẩm của Phân bón Cà Mau.
Để tận dụng triệt để nguồn khí thải do nhà máy thải ra làm nhiên liệu để sản xuất phân bón, đội ngũ kỹ sư PVCFC đã mạnh dạn nghiên cứu, ứng dụng thành công thu hồi và tinh chế được nguồn khí giàu CO2. Thành công bước đầu này đã giúp tiết giảm chi phí nhiên liệu, làm lợi cho công ty hàng chục tỉ đồng mỗi năm, giảm thiểu lượng CO2 phát thải ra môi trường.
PVCFC đồng hành cùng bà con nông dân trong sản xuất nông nghiệp thân thiện môi trường |
Và với lộ trình tập trung vào 3 mũi nhọn chính, từ đầu năm 2024, tập thể ban lãnh đạo và CBCNV PVCFC đã tất bật chuẩn bị lô hàng chất lượng cao, chính thức thâm nhập sản phẩm vào hai thị trường phân bón khó tính của thế giới là Australia, New Zealand, đồng thời tiếp tục chinh phục chất lượng từ thị trường đã có của châu Mỹ. Đây là tín hiệu khả quan và là nỗ lực kinh doanh xuất nhập khẩu của thương hiệu Phân bón Cà Mau.
Theo các chuyên gia, Australia và New Zealand là hai trong số các thị trường khó tính về nhập khẩu phân bón. Trong suốt thời gian qua, Phân bón Cà Mau từng bước cải thiện chất lượng từ dịch vụ vận chuyển, bốc xếp cho đến khi hàng hóa xuất khỏi kho nhà máy. Phân bón Cà Mau chú trọng bảo đảm chất lượng hàng hóa tốt nhất cho khách hàng với tốc độ xếp dỡ cao so với mặt bằng chung của các nhà xuất khẩu trên thế giới.
Bên cạnh thúc đẩy xuất khẩu tại các quốc gia đã có mặt sản phẩm mang thương hiệu Phân bón Cà Mau, từ năm 2023, PVCFC tiếp tục tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước khác. Trong đó, hai thị trường tiềm năng Australia và New Zealand đã được PVCFC xác định và chuẩn bị kỹ lưỡng.
Từ đầu năm 2024, đội ngũ nhân sự Phân bón Cà Mau đã chuẩn bị cho lô hàng đầu tiên xuất khẩu sản phẩm urê hạt đục sang thị trường New Zealand. Đây là một thị trường sẵn sàng trả giá rất cao so với các nước khác nhưng lại có những yêu cầu khắt khe về chất lượng hàng hóa. Song song đó, PVCFC cũng hoàn thiện thủ tục cuối cùng để được cấp phép nhập khẩu sản phẩm urê hạt đục của Phân bón Cà Mau vào thị trường Australia. Khi đó, PVCFC sẽ chính thức chinh phục được vào hai thị trường khó tính nhất của thế giới. Công ty cũng đang chuẩn bị lô hàng hơn 35.000 tấn đi Mexico. Chất lượng sản phẩm urê Cà Mau tiếp tục nhận sự tin tưởng của đối tác đã đồng hành từ thị trường châu Mỹ này.
Bên cạnh thúc đẩy xuất khẩu tại các nước đã có mặt sản phẩm mang thương hiệu Phân bón Cà Mau từ năm 2023, PVCFC tiếp tục tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước khác. Trong đó, việc thâm nhập hai thị trường tiềm năng Australia và New Zealand đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. |
Nguyễn Hiển