Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 12/4/2023

21:18 | 12/04/2023

2,623 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Cả nước chi 2,3 tỷ USD để nhập khẩu xăng dầu các loại trong quý I; Xuất khẩu dầu thô hàng tuần của Nga lao dốc; Hungary hưởng cơ chế ưu đãi trong thỏa thuận khí đốt với Nga… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 12/4/2023.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 12/4/2023
Trong tuần tính đến ngày 7/4, các lô hàng dầu thô từ các cảng xuất khẩu của Nga đã giảm mạnh 1,24 triệu thùng/ngày xuống mức thấp nhất trong 8 tuần là 2,89 triệu thùng/ngày. Ảnh minh họa: Energyintel

Cả nước chi 2,3 tỷ USD để nhập khẩu xăng dầu các loại trong quý I

Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong tháng 3/2023, cả nước nhập khoảng 800.000 tấn xăng dầu các loại, tương ứng 659 triệu USD. Tính chung quý I/2023, cả nước nhập khoảng 2,648 nghìn tấn xăng dầu, tương ứng với 2,3 tỷ USD. Tuy vậy, mức nhập khẩu này vẫn giảm khoảng 5,8% so với cùng kỳ năm trước.

Về nguồn trong nước, lượng sản xuất xăng dầu trong quý đầu năm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - Petrovietnam (không bao gồm sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn) đạt 1,74 triệu tấn, đã giúp đảm bảo nguồn cung cho thị trường.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hiện hệ thống kho dự trữ xăng dầu được phân bố trên phạm vi cả nước nhưng chưa có hệ thống kho riêng cho dự trữ quốc gia. Tổng mức dự trữ xăng dầu mới ở mức khiêm tốn vì vậy cơ quan này đã có Tờ trình Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 đưa ra nhằm mục tiêu phát triển hệ thống hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia.

Xuất khẩu dầu thô hàng tuần của Nga lao dốc

Trong tuần tính đến ngày 7/4, các lô hàng dầu thô từ các cảng xuất khẩu của Nga đã giảm mạnh 1,24 triệu thùng/ngày xuống mức thấp nhất trong 8 tuần là 2,89 triệu thùng/ngày, theo dữ liệu được trích dẫn bởi Julian Lee của Bloomberg. Trong khi đó, thước đo xuất khẩu trung bình trong 4 tuần cho thấy tổng lượng dầu thô xuất khẩu của Nga đã giảm 108.000 thùng/ngày xuống 3,34 triệu thùng/ngày trong 4 tuần tính đến ngày 7/4.

Trước đó 2 tuần, xuất khẩu dầu thô bằng đường biển của Nga đã duy trì trên mốc 3 triệu thùng/ngày trong nhiều tuần, ngay cả sau khi lệnh cấm nhập khẩu nhiên liệu của Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực và sau khi Moscow cho biết sẽ giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày. Tuần này, Nga tuyên bố họ đã cắt giảm sản lượng 700.000 thùng/ngày vào tháng trước, nhiều hơn mức 500.000 thùng/ngày đã cam kết hồi đầu năm.

Trong bốn tuần qua, hầu hết hàng hóa xuất khẩu của Nga đã khởi hành đến Trung Quốc, Ấn Độ hoặc "điểm đến không xác định" ở châu Á. Trong suốt tháng 1 và tháng 2, Nga là nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho Trung Quốc, vượt qua Ả Rập Xê-út, nhà cung cấp dầu số một cho Trung Quốc vào năm 2022.

Hungary hưởng cơ chế ưu đãi trong thỏa thuận khí đốt với Nga

Ngày 11/4, sau cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Quan hệ kinh tế đối ngoại Hungary Peter Szijjarto cho hay Hungary đã gia hạn thỏa thuận với Nga về nguồn cung khí đốt bổ sung và nhất trí về cơ chế thanh toán ưu đãi cho khối lượng nhiên liệu chính nhận được từ Tập đoàn năng lượng quốc gia Gazprom của Nga.

Theo ông Szijjarto, khoảng 80-85% nguồn cung khí đốt cho Hungary được thực hiện trực tiếp từ Nga, do đó, tính liên tục và không gián đoạn có tầm quan trọng cơ bản và quyết định. Ông Szijjarto lưu ý, năm ngoái các bên đã ký một thỏa thuận về việc cung cấp khí đốt bổ sung cho Hungary vượt quá khối lượng được quy định trong các hợp đồng dài hạn.

Đáng chú ý, trong cuộc đàm phán lần này, hai bên đã thống nhất rằng Hungary sẽ có thể được phép “trả chậm khoản tiền cao hơn giới hạn đã được xác định trong trường hợp giá khí đốt tăng đáng kể”. Về phần mình, Phó Thủ tướng Nga Novak cam kết đảm bảo sự an toàn và ổn định của nguồn cung qua đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ.

Ukraine bắt đầu nối lại xuất khẩu điện sang các nước châu Âu

Bộ trưởng Năng lượng Ukraine ngày 11/4 cho biết nước này đã bắt đầu nối lại xuất khẩu điện sang các nước châu Âu, một bước ngoặt lớn so với 6 tháng trước khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đã ảnh hưởng đến các nhà máy điện, khiến phần lớn nước này chìm trong bóng tối.

Tuyên bố của Bộ trưởng Năng lượng Herman Halushchenko cho hay Ukraine không chỉ đáp ứng 100% nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn sẵn sàng khởi động lại để xuất khẩu sang các nước láng giềng.

Theo chuyên gia chính sách năng lượng Georg Zachmann tại Viện nghiên cứu Bruegel ở Brussels, công suất 400MW “chỉ là bước khởi đầu” khi Ukraine theo đuổi mục tiêu dài hạn là hội nhập trở lại vào mạng lưới của châu Âu, điều sẽ tăng cường an ninh cung cấp và giúp các nước láng giềng trao đổi điện năng. Với mức giá 100 euro mỗi MWh, thu nhập hàng tháng cao nhất của Ukraine có thể sẽ lên tới 30 triệu euro.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 10/4/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 10/4/2023
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 11/4/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 11/4/2023

H.T (t/h)

DMCA.com Protection Status