Vietsovpetro dự Hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện Đề án phát triển y tế biển, đảo

13:25 | 02/04/2017

1,068 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Sáng 31/3, tại Trung tâm Y tế Vietsovpetro, TP. Vũng Tàu, Ban Chỉ đạo quốc gia về y tế biển, đảo đã tổ chức Hội nghị sơ kết 04 năm triển khai Đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 317).

Tham dự và chủ trì Hội nghị có PGS.TS. Phạm Lê Tuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án cùng các thành viên trong Ban và gần 100 lãnh đạo, đại diện cho Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ban, ngành Trung ương, đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và UBND các tỉnh Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu cùng lãnh đạo các Sở Y tế các tỉnh/ thành phố ven biển trong cả nước.

Phát biểu chào mừng hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Đặng Minh Thông đã ghi nhận và cảm ơn Bộ Y tế, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, các cơ quan, đơn vị, các nhà tài trợ đã hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình cho ngành y tế của tỉnh triển khai thực hiện tốt Đề án "Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020”. Đến nay, các cơ sở y tế trên địa bàn biển, đảo và vùng ven biển được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại, ưu tiên trong công tác đào tạo cán bộ nhằm đảo bảo cung ứng dịch vụ tại chỗ. Đã thực hiện tốt chương trình Quân dân y kết hợp, góp phần thực hiện hiệu quả trong việc khám chữa bệnh, cấp cứu tại chỗ và nâng cao sức khỏe cho nhân dân trong tỉnh.

vietsovpetro du hoi nghi so ket 4 nam thuc hien de an phat trien y te bien dao
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Đặng Minh Thông phát biểu tại hội nghị

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Đề án, sau 04 năm nỗ lực của Ban chỉ đạo quốc gia, các Bộ ngành, địa phương ven biển triển khai thực hiện Đề án 317 “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020” đã thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận, như: tốc độ triển khai đề án được đẩy nhanh. Sau 4 năm thực hiện, các cơ sở y tế trên địa bàn biển, đảo và vùng ven biển đã được quan tâm đầu tư trang thiết bị hiện đại, các trang thiết bị y tế cơ động được nghiên cứu cải tiến, phù hợp với khí hậu biển, công tác vệ sinh môi trường, bảo vệ nguồn nước ngọt trên đảo đã được quan tâm, công tác đào tạo cán bộ từng bước được nâng cao nhằm đảm bảo cung ứng dịch vụ tại chỗ; đã thực hiện tốt chương trình Quân dân y kết hợp, góp phần thực hiện hiệu quả việc khám chữa bệnh, cấp cứu tại chỗ và nâng cao sức khỏe cho nhân dân… Hầu hết các bộ ngành liên quan và các tỉnh, thành phố đã hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, việc triển khai đề án vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trong đó có những khó khăn do hạn chế nguồn nhân lực, nhiều Bộ, ngành, địa phương còn trông chờ vào sự đầu tư từ Nhà nước, chưa chủ động bố trí vốn cho công trình thuộc phạm vi điều chỉnh của Đề án, trang thiết bị y tế đặc thù phục vụ cấp cứu, vận chuyển trên biển, đảo, vấn đề vốn đầu tư cho các huyện đảo, xã đảo và một số địa phương chưa thực sự quan tâm, còn giao khoán cho ngành Y tế.

Hội nghị được nghe ý kiến tham luận của các Bộ, Ngành về kế hoach triển khai thực hiện cũng như kiến nghị một số giải pháp đồng bộ hy vọng sẽ khắc phục được những tồn tại khó khăn để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân vùng biển, đảo.

vietsovpetro du hoi nghi so ket 4 nam thuc hien de an phat trien y te bien dao
Bác sĩ Nguyễn Văn Hiệp - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Vietsovpetro trình bày tham luận “Công tác cấp cứu trên biển tại Trung tâm Y tế Vietsovpetro” tại hội nghị

Tại Hội nghị, đại diện cho Vietsovpetro, bác sĩ Nguyễn Văn Hiệp - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế đã trình bày tham luận với nội dung “Công tác cấp cứu trên biển tại Trung tâm Y tế Vietsovpetro”.

Trung tâm Y tế Vietsovpetro được xếp hạng bệnh viện, nằm trong mạng lưới y tế biển đảo theo Đề án 317 với các nhiệm vụ: Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho CBCNV và thân nhân; Thường trực cấp cứu tại các công trình sản xuất của Liên doanh Vietsovpetro và các đơn vị dầu khí khác theo hợp đồng; Khám chữa bệnh, cấp cứu cho nhân dân trong khu vực; Đảm bảo công tác y tế dự phòng trên các công trình biển: vệ sinh phòng dịch, vệ sinh công nghiệp, quản lý bệnh nghề nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm; Đảm bảo y tế cho các dự án quốc phòng (nhà giàn DK) tại các khu vực tranh chấp.

Hiện Trung tâm có 222 CBCNV (Nga và Việt Nam), trong đó có 88 bác sĩ. Nhiều bác sĩ có kinh nghiệm công tác từ các BV tuyến tỉnh, sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ từ xa cho các bác sĩ trên các công trình biển và trực tiếp tham gia vận chuyển cấp cứu và xử lý. Một số bác sĩ thành thạo tiếng Nga và tiếng Anh, sẵn sàng hỗ trợ ngôn ngữ khi có bệnh nhân nước ngoài; có đủ các khoa, phòng theo phân hạng BV, có thêm 02 khoa đặc thù là Y tế biển với 19 trạm y tế trên công trình biển và oxy cao áp. Đặc biệt, có 02 tàu lặn và 1 trạm có buồng giảm áp. Các bác sĩ chuyên khoa sinh lý lặn Nga và Việt có thể lặn và cấp cứu bệnh lý giảm áp với độ sâu đến 90m nước. Có kinh nghiệm xử lý các bệnh lý giảm áp theo các phác đồ của Hải quân Hoa Kỳ và Nga.

Chỉ tính riêng trong năm 2016, Trung tâm đã khám và cấp thuốc cho 175.965 lượt người, Trong đó, BHYT là 80.630 lượt, nhân dân: 68.688 lượt, tiến hành cấp cứu: 16.624 lượt và khám sức khỏe cho 31.188 lượt người.

Đồng thời, báo cáo của Trung tâm Y tế Vietsovpetro đã chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác chuyên môn, nêu những khó khăn, thuận lợi và đưa ra các kiến nghị đề xuất nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh cho CBCNV, gia đình và nhân dân trong tỉnh nói chung.

vietsovpetro du hoi nghi so ket 4 nam thuc hien de an phat trien y te bien dao
PGS.TS. Phạm Lê Tuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án phát biểu chỉ đạo

PGS.TS. Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án đã đánh giá cao sự quan tâm chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 317 của các Bộ, ngành, địa phương ven biển trong khắc phục khó khăn, chủ động bố trí ngân sách triển khai tốt các nội dung của Đề án 317 như: cấp thẻ bảo hiểm cho cư dân, đầu tư cơ sở hạ tầng, phương tiện vận chuyển cho các huyện đảo.

Tuy nhiên, để Đề án được thực hiện có hiệu quả hơn nữa Thứ trưởng đề nghị các địa phương cần đưa nội dung phát triển y tế biển, đảo vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và có chính sách ưu tiên đầu tư cho nội dung này; Có sự kết hợp chặt chẽ, đồng bộ hơn nữa giữa các Bộ, ban, ngành và địa phương; Bộ Quốc phòng chủ trì việc cấp cứu trên biển; Các Bộ, ngành cần xây dựng quy chế, tìm vốn đầu tư, xây dựng các cơ sở y tế theo Đề án; Các địa phương cần rà soát, kiện toàn các hạng mục của Đề án…

A.P - Đ.H

DMCA.com Protection Status